Chống ngập... ngược đời ở TP.HCM

Thứ năm, 24/08/2017, 09:18
Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến TP.HCM bị ngập úng nghiêm trọng dù ngân sách đã đổ ra nhiều tiền là do các giải pháp chống ngập sai lầm, thậm chí phản khoa học...

Tuyến đường Nguyễn Văn Quá (TP.HCM) ngập vẫn hoàn ngập dù đã thi công xong công trình chống ngập.

Cuối tháng 6/2016, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) khởi công dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”. Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group, trước mắt dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập úng do triều kéo dài trong nhiều năm qua, đồng thời hỗ trợ việc chống ngập do mưa.

Làm ngược?

Tuy nhiên, khi dự án này khởi công thì TP.HCM không còn ngập nặng bởi triều cường nhờ triển khai lắp đặt đồng loạt các van ngăn triều tại các cửa xả cống ra kênh rạch. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (trung tâm chống ngập), từ năm 2006 đến nay, TP.HCM không phát sinh thêm điểm ngập mới do triều cường.

Số điểm ngập do triều cường từ 95 điểm (năm 2006) giảm còn 33 điểm (năm 2011) và 7 điểm (năm 2015). Lưu vực 750km2 mà dự án này giải quyết thực tế chỉ còn tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Riêng tuyến đường Lương Định Của (quận 2) nằm trong phạm vi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm sắp tới sẽ được đầu tư nâng cấp.

Đối với việc hỗ trợ giảm ngập do mưa, trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư) cho biết dự án sẽ điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị bằng việc lắp đặt các máy bơm công suất lớn để hút nước từ bên trong đê ra ngoài. Tuy nhiên việc hỗ trợ chống ngập do mưa của dự án kiểm soát triều đòi hỏi phải đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, dự án của Trungnam Group đến giữa năm 2018 hoàn thành, cần có hệ thống dẫn nước mưa về để bơm. Cụ thể: nước mưa phải được hệ thống cống thu gom đồng bộ từ trong hẻm ra đường, đến các cửa xả để thoát ra kênh, rạch, từ đó dẫn ra cống đặt tại các cửa sông để bơm ra ngoài. Nước không thoát ra được thì dự án này không phát huy hiệu quả chống ngập do mưa.

Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm chống ngập, trên địa bàn TP.HCM có 60 vị trí kênh rạch, 83 tuyến cống với chiều dài hơn 13km với 85 hầm ga và 51 vị trí cửa xả bị lấn chiếm, làm hạn chế khả năng thoát nước. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết hệ thống cống được duy tu định kỳ. Gần chợ, trường học duy tu 3 lần/năm, các khu dân cư 2 lần/năm và tuyến đường ít dân cư từ 1-2 lần/năm.

“Trong quá trình vận hành, mình đánh giá tình hình rác bồi lắng trong lòng cống bởi kinh phí eo hẹp, không thể sử dụng tiền ngân sách một cách lãng phí, ngày nào cũng duy tu, nạo vét”, ông Dũng nói.

Không chỉ bị lấn chiếm, hệ thống thoát nước của TP.HCM vừa thiếu vừa yếu do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng. Theo số liệu của Trung tâm chống ngập, TP.HCM mới nạo vét được 60,3km kênh rạch trên tổng chiều dài 4369km (chiếm 1,68%) và lắp đặt 4.176/6.000km cống thoát nước các loại theo quy hoạch 752, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thoát nước của toàn thành phố.

Ông Dũng cho biết hệ thống cống xây dựng theo quy hoạch 752 không còn phù hợp. Tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (cống cấp 3). Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 3 lần/năm), đặc biệt, trong 2 năm 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100 - 122mm.

Với nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 là trên 73.000 tỷ đồng, trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng thay vì ném gần 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1), trong điều kiện hạn hẹp về nguồn vốn, TP.HCM nên dành khoản tiền này cải tạo, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch để tăng năng lực thoát nước, giảm ngập mỗi khi mưa xuống thay vì hướng đến mục tiêu xa xôi là … ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các biểu đồ ngập

Sai lầm

Một số chuyên gia cho rằng thay vì chống ngập theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, tập trung xoá các điểm bị ngập nhưng không hiệu quả vì xóa chỗ này lại xuất hiện chỗ khác, TP.HCM cần chống ngập theo từng lưu vực vì trọng tâm của việc chống ngập không phải giải quyết những điểm ngập mà là thoát nước cho toàn thành phố.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, các trận mưa lớn vừa qua khiến TP.HCM ngập nặng cho thấy sự sai lầm trong việc xây dựng hệ thống thoát nước khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy hoạch đã quá lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến mưa lũ phức tạp như thời gian gần đây.

Chuyên gia này cũng chỉ ra một vấn đề khác tồn tại lâu nay của thành phố là tình trạng đầu tư chống ngập theo kiểu cục bộ, thiếu sự liên kết và kết nối đồng bộ giữa các khu vực. Nhiều chủ đầu tư khi xây dựng hạ tầng thoát nước thường chỉ biết làm sao thoát nước cho con đường mình làm, chưa tính toán đến kết nối đồng bộ, giải quyết ngập cho toàn khu vực. Bởi vậy, nhiều năm qua, thành phố đã đầu tư rất nhiều cho các dự án chống ngập, nhưng thực tế thì cứ mưa vẫn xảy ra ngập.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (Hascon), TP.HCM chỉ bị ngập úng do mưa bởi lẽ ra nước phải được thoát nhanh ra sông, ra các hồ chứa tự nhiên nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân, nước không thể thoát nhanh ra sông Sài Gòn được còn hồ chứa tự nhiên thì bị san lấp gần hết. Phổ biến tình trạng san lấp mặt bằng, đua nhau lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng ở khắp thành phố, nhất là ở quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè…

“Trước năm 1995, đỉnh triều cường ở trạm Phú An (TP.HCM) chưa bao giờ vượt quá 1,30m, nhưng từ năm 1995 lại nay đỉnh triều cường ở trạm Phú An dâng cao theo từng năm. Nhiều người tưởng rằng đỉnh triều cường dâng cao là do nước biển dâng, bởi tình trạng biến đổi khí hậu nhưng không phải thế. Mực nước biển trong 30 năm qua chỉ dâng thêm khoảng 2cm. Theo quan điểm của các nhà khoa học thuộc Hascon, nguyên nhân là chúng ta đã xây đê bao ngăn nước mặn cho nhiều vùng rộng lớn, hoặc lấp gần hết các không gian trống, vốn là những nơi chứa nước triều cường như ao hồ, vùng trũng sình lầy. Lượng nước triều cường dồn từ ngoài biển vào thì không thay đổi, nhưng không gian chứa đã bị thu hẹp, làm cho nước triều cường buộc phải dâng cao”, TS Nguyễn Bách Phúc nói.

Chuyên gia này cho rằng không gian chứa nước bị thu hẹp còn do việc đắp đê ngăn nước ở huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 7, những nơi mà theo quy hoạch không gian đô thị của người Pháp thiết lập hơn trăm năm trước là không gian chứa nước triều cường.

“Trong khi mâu thuẫn đó không nghiên cứu, chưa tìm ra cách giải quyết, TP.HCM lại muốn làm những hồ điều tiết chứa nước. Giải pháp này theo tôi rất khó khả thi. Với giá đất đắt đỏ như hiện nay, lấy đâu ra tiền mua 1.000ha. Thậm chí, nếu chi 950 tỷ đồng cho việc cải tạo 3 hồ (đã có sẵn) cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi vì, bản thân các hồ chứa nước đã có sẵn nước, trường hợp ngập lụt, nước trong hồ dâng lên 1- 2m nước, tổng cộng các hồ có thể chứa được vài trăm ngàn m3 nước nhưng một cơn mưa, một cơn triều cường có thể tích hàng trăm triệu m3 nước thì làm sao những hồ này chứa đủ?”, ông Phúc nói.

“Những năm 2000, Việt Nam thuê Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng quy hoạch tổng thể chống úng ngập cho TP.HCM. Quy hoạch dự kiến trong vòng 10 năm phải xây dựng nhiều công trình chống ngập, với tổng số vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Nếu chúng ta thực hiện được đúng quy hoạch này thì đến năm 2010- 2011 đã hết úng ngập. Nhưng chúng ta đã không thực hiện được bởi không có tiền. Vì không có tiền, TP.HCM thực hiện quy hoạch một cách chắp vá, tùy theo cơ hội vay được tiền, chứ không thể thực hiện đồng bộ theo đúng quy hoạch”.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hascon

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn