TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam:
Tôi thấy việc phong tặng danh hiệu tùy tiện như hiện nay là một câu chuyện bình thường và bất bình thường. Khi chuyển đổi cơ chế thị trường thì cứ cái gì có thể kiếm được tiền là người ta làm. Nhưng bất bình thường ở chỗ, khi các đơn vị, tổ chức, hiệp hội… có hành động như thế thì các cơ quan quản lý nhà nước vẫn để cho họ làm.
TS. Trần Hữu Sơn |
Tôi lấy ví dụ, việc phong hàm Giáo sư, Tiến sỹ của Nhà nước có Nghị định quy định rất rõ ràng và cụ thể. Bao nhiêu bài viết đăng tạp chí trong nước và quốc tế; bao nhiêu giải thưởng chuyên ngành, bao nhiêu năm giảng dạy… cái này phải thông qua hội xét duyệt và soi chiếu cụ thể từng tiêu chí mới được phong. Đằng này, một người chẳng có công trình nghiên cứu hoặc bài báo khoa học nào cả nhưng cứ nộp đủ mấy chục triệu đồng là được phong danh hiệu này, danh hiệu kia ngay. Việc này quá tùy tiện, dễ dãi và đáng xấu hổ.
Tôi cho rằng, sự việc ca sĩ Ngọc Sơn mới được trao tặng bằng khen “Giáo sư âm nhạc” mới đây thật đáng xấu hổ. Ca sĩ Ngọc Sơn phải cảm thấy xấu hổ nếu treo cái bằng khen đó trong nhà.
Bản thân Hội Nghệ nhân và Thương hiệu làm việc làm đó là vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật. Vi phạm đạo đức vì có hành vi lệch chuẩn, đánh lận con đen. Điều đáng bàn là tại sao cơ quan chủ quản để cho ông ấy có thể làm những việc trái khoáy như thế. Bộ Công thương là Bộ chủ quản phải xử lý nghiêm khắc vụ này. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng có thể có quyền xử lý. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng có quyền xử lý. Thanh tra phải mời lãnh đạo của Hội này lên làm việc, bắt phải kiểm điểm và xử phạt theo luật. Còn nếu không kiểm điểm được thì cả Bộ Công thương cũng phải chịu trách nhiệm.
Ngoài việc này, việc phong tặng nghệ nhân một cách tùy tiện ở nhiều địa phương hiện nay cũng là một cách làm tiền. Ví dụ năm 2000, một loạt nhà khoa học nhận được thư của một tổ chức nọ bảo đại ý rằng: “Chúng tôi nhận thấy ông có công trình khoa học xuất sắc nên chúng tôi xếp ông vào số 2000 nhà khoa học xuất sắc của năm 2000. Vậy ông nộp cho chúng tôi ngần này tiền… để làm thủ tục”. Tôi biết, có một loạt các nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam “mắc lỡm” vụ này.
Bản thân tôi, khi tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa Lào Cai, mỗi năm nhận được 5 - 7 cái giấy mời kiểu “Ông đã được bình chọn là nhà khoa học - quản lý xuất sắc mời ông đến nhận giải thưởng tại chỗ A - chỗ B, nhưng ông phải nộp cho chúng tôi 20 triệu”.
Xu hướng làm tiền bám vào việc tự phong danh hiệu đang xảy ra rất phổ biến. Chúng ta muốn “triệt” được sự loạn xạ này phải xả lý thật nghiêm. Chúng ta phải có một văn bản quy định về phong tặng các danh hiệu này. Ai đáng được phong tặng, phong tặng đến mức độ nào… nếu không loạn đến nơi. Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phải đứng ra làm văn bản này.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam:
Vấn đề loạn phong danh hiệu hiện nay theo tôi là nên sớm chấn chỉnh. Việc phong danh hiệu mà theo xu hướng cơ chế thị trường như hiện nay là dễ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Những văn bản quản lý nhà nước của các Bộ cần có quy định rõ ràng. Ngay cả Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng cần phải có những quy định rất cụ thể nếu không sẽ rơi vào tình trạng ai thích gì làm nấy.
NSND Lê Tiến Thọ. |
Theo tôi được biết, hiện đang có tình trạng nhiều hiệp hội tư nhân phong tặng danh hiệu tràn lan ở nhiều địa phương. Những người muốn được phong danh hiệu phải đóng một số tiền không nhỏ để tổ chức hoạt động này. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có văn bản quy định, anh được làm cái gì, anh không được phép làm gì… nếu không sẽ loạn chuẩn.
Loạn chuẩn sẽ khiến cho xã hội xấu đi. Ngay bản thân những người được phong hàm Giáo sư, Tiến sỹ… đã bị mất đi giá trị. Phải có cơ quan quản lý sớm ra tay dẹp bỏ mấy trò đó đi, không thể để thế mãi được.
GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam:
Tôi nghĩ rằng, việc để cho các hiệp hội phong tặng danh hiệu tùy tiện như hiện nay là không nên. Tôi lấy ví dụ, sau khi hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận, các hiệp hội liền đua nhau phong tặng danh hiệu này, danh hiệu kia. Việc phong nghệ nhân - nghệ sĩ phải theo quy định vì nó có Nghị định rõ ràng.
GS Nguyễn Chí Bền. Ảnh: VOV. |
Tôi cũng biết, có nhiều người được mời gọi tham gia hoạt động phong tặng danh hiệu với một số tiền không nhỏ. Và nhiều người vẫn chấp nhận nộp tiền để có được danh hiệu. Tôi thừa nhận, trong số các hội hiện nay, chỉ có Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là làm việc này rất tốt, đánh giá rất rõ ràng, có tiêu chí xét tặng cụ thể.
Đã đến lúc, chúng ta cần phải xét xem cái nào Nhà nước phong tặng, cái nào các Hội phong, Hội nào mà không liên quan là không được phép. Tôi nói thẳng, việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam mà phong cho ca sĩ Ngọc Sơn là “Giáo sư âm nhạc” như mới đây là không được phép đâu, việc làm này vi phạm pháp luật chứ không phải chuyện chơi. Việc phong chức danh Giáo sư đâu thể tùy tiện và hài hước như thế được, phải tuân theo Nghị định của Nhà nước. Mà cái này chỉ Hội đồng chuyên môn cấp Nhà nước mới có thẩm quyền xem xét chứ một Hội nghề nghiệp sao đủ thẩm quyền.
Tôi nghĩ rằng, việc loạn phong danh hiệu như hiện nay sẽ khiến cho diện mạo của đội ngũ Giáo sư, Tiến sỹ chân chính trở nên có vấn đề. Nó làm xuất hiện tình trạng nháo nhào giữa cái danh hiệu thật với danh hiệu không được phép.
Là người làm đạo tạo nhiều năm trời, tôi biết có những trường hợp được Đại sứ quán nước ngoài trao cho một danh hiệu nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa bao giờ thừa nhận cái đó cả. Bộ chưa bao giờ chấp thuận cho người đó ngồi vào Hội đồng chấm luận án cấp chuyên ngành. Ngay một số vị mang chức danh ở nước ngoài về cũng không được thừa nhận vì nước mình có những Nghị định quy định riêng về việc này.
Theo Dân Trí