|
Binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh trong ngày lễ Quốc khánh của Pakistan ở thủ đô Islamabad - Ảnh: AFP |
Hôm đầu tuần, Tổng thống Donald Trump vạch ra những cam kết mới của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Afghanistan, trong đó bao gồm tăng cường lực lượng quân viễn chinh và đối thoại với phiến quân Taliban.
Quan trọng hơn hết, ông Trump công khai gây áp lực lên Pakistan đòi nước này chấm dứt “chứa chấp” các nhóm khủng bố tấn công Afghanistan.
Một ngày sau, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp nối lời cảnh báo của ông Trump, cho rằng Pakistan “phải chọn một cách tiếp cận khác”.
Tấm khiên Trung Quốc
Theo các chuyên gia, chiến lược mới của Nhà Trắng trong vấn đề Afghanistan đang vấp phải một trở ngại lớn: mối quan hệ kinh tế ngày càng khắn khít giữa Pakistan và Trung Quốc làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với Islamabad.
Với hơn 50 tỉ USD từ Trung Quốc đổ vào các dự án hạ tầng và sự ủng hộ ngoại giao của Bắc Kinh, Islamabad không phải lo lắng mấy trước lời đe dọa của Mỹ rút lại hàng tỉ USD viện trợ quân sự.
Vai trò của Trung Quốc càng tăng, quân đội Pakistan càng ít có lý do ngừng ủng hộ ngầm các nhóm nổi dậy hoạt động ở Afghanistan và Ấn Độ - đối thủ chính của họ, song song đó trấn áp các lực lượng đe dọa đến an ninh nội địa.
“Trung Quốc bây giờ là tấm khiên đằng sau, tạo điều kiện cho Pakistan tiếp tục trò chơi hai mặt. Mỹ càng giảm viện trợ bao nhiêu, Pakistan sẽ nhờ Trung Quốc lấp vào khoảng trống” - ông Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc trường King’s College (London), bình luận.
Islamabad lâu nay luôn chối bỏ vai trò ủng hộ khủng bố, mặc cho mối quan ngại ngày càng lớn từ phía Mỹ. Các nhóm khủng bố, chẳng hạn như Mạng lưới Haqqani, được cho là thực hiện các cuộc tấn công Afghanistan từ trên đất Pakistan.
Trung Quốc ủng hộ đồng nghĩa là Pakistan không cần phải thay đổi chính sách của họ. Trong 4 năm tài chính gần đây, Bắc Kinh đầu tư trực tiếp 2,8 tỉ USD vào Pakistan so với 533 triệu USD từ Mỹ, theo Ngân hàng trung ương Pakistan.
Các ngân hàng Trung Quốc còn giúp Islamabad chặn được tình trạng thâm hụt ngân sách. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2016, Pakistan nhận tổng cộng 848 triệu USD tiền vay từ Trung Quốc để chi cho các khoản thâm hụt.
Binh sĩ Pakistan thuộc lực lượng tuần duyên đi tuần tra ở biên giới với Afghanistan ở Torkham |
Nỗ lực vô vọng
Chẳng vì vậy mà ngay sau bài diễn văn chỉ trích của ông Trump, Bộ Ngoại giao Pakistan lập tức ra thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc “khen ngợi sự đóng góp và hy sinh của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố”, và rằng “cộng đồng quốc tế nên công nhận đầy đủ những nỗ lực này”.
Đến chiều 21-8, Islamabad tiếp tục đưa ra thông cáo khác gọi bình luận của ông Trump là “sai lệch” và chê bai chiến lược bình định Afghanistan của Mỹ sẽ tiếp tục thất bại như trong 16 năm qua.
"Trung Quốc hiện đang giúp đỡ Pakistan phát triển kinh tế, đồng thời vô hiệu hóa một phần lý lẽ của Mỹ" .Ông Hasan Askari Rizvi, nhà phân tích chính trị người Pakistan |
Số tiền chi cho Pakistan từ quỹ hỗ trợ đồng minh của Mỹ đã giảm 62% từ mức 1,44 tỉ USD của năm 2013. Hàng trăm triệu USD đã bị chặn lại trong năm vừa qua trong bối cảnh các quan chức Mỹ chỉ trích Islamabad “làm không đủ” để nhổ tận gốc các nhóm như Haqqanis.
Lời đe dọa rút toàn bộ viện trợ của Mỹ sẽ không có mấy hiệu quả, theo chuyên gia Rizvi, bởi vì Washington vẫn còn cần Pakistan cho các nỗ lực khác của họ ở Nam Á.
“Thậm chí nếu Washington thật sự chơi cứng, Pakistan có thể sống sót mà không cần sự trợ giúp của Mỹ” - ông Rizvi nhận định.
Các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) là một nền tảng quan trọng của sáng kiến “Vành đai, con đường” do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Việc quân đội Pakistan ủng hộ tuyệt đối CPEC đã được ngầm hiểu.
“Việc các nhà lãnh đạo Mỹ hạ quyết tâm thay đổi cách Pakistan hành xử không có gì mới. Còn phải xem là ông Trump sẽ làm cách nào để thực hiện điều này. Khả năng lớn nhất đó là Pakistan sẽ không nhúc nhích cho dù ông Trump có đe dọa tới cỡ nào” - ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (Washington), dự báo.
Theo TTO