Mỹ cố đấm ăn xôi tại vũng lầy Afghanistan

Thứ năm, 24/08/2017, 13:55
Afghanistan đã làm đau đầu các chính quyền Mỹ kể từ năm 2001 nhưng Washington vẫn chưa có cách gì thoát khỏi “vũng lầy” này.

Kế hoạch mơ hồ

Trang The Hill của Mỹ cho rằng chiến lược đối với Afghanistan mà Tổng thống Donald Trump công bố hôm 21/8 nặng về các mục tiêu lớn nhưng không nêu nhiều chi tiết cụ thể.

Phát biểu tại Fort Myer, ông Trump đã đưa ra các thông số, theo đó sẽ duy trì binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, điều được nhiều người đoán trước nhằm mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 16 năm qua, bác bỏ quan điểm của những người kêu gọi Mỹ rút quân.

Ông Trump nói: “Người Mỹ đang mệt mỏi vì chiến tranh mà không có chiến thắng. Tôi chia sẻ nỗi tức giận của người dân Mỹ, nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ chiến đấu và giành chiến thắng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan hôm 21/8

Ông Trump đã hoàn thành kế hoạch này sau nhiều tháng thảo luận và sau cuộc họp cuối cùng với đội ngũ an ninh quốc gia cao cấp tại Trại David hôm 18/8. Nhưng dù nói gì, kế hoạch mà ông Trump đưa ra cũng chưa thể thuyết phục giới phân tích.

Ông Trump được cho là sẽ phái thêm gần 4.000 quân tới Afghanistan, nhưng ông không đưa ra con số cụ thể cũng như không cho biết lực lượng điều động thêm sẽ ở lại Afghanistan trong bao lâu.

Mỹ hiện có khoảng 8.400 binh sĩ ở Afghanistan. Lực lượng này đang thực hiện sứ mệnh kép đó là huấn luyện và hỗ trợ lực lượng Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Taliban và thực thi sứ mệnh chống khủng bố, chống lại các tổ chức như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS).

Dù không đưa ra được một kế hoạch cụ thể, nhưng ông Trump lại cho rằng điều này là “có ích”. Ông nói: “Điểm cốt lõi trong chiến lược mới của chúng ta đó là chuyển từ cách tiếp cận dựa trên thời gian biểu sang cách tiếp cận dựa trên các điều kiện. Tôi đã nói nhiều lần rằng việc Mỹ công bố trước thời điểm chúng ta dự kiến bắt đầu hoặc kết thúc các lựa chọn quân sự là vô cùng phản tác dụng”.

Quân nhân Mỹ tại căn cứ Fort Myer nghe Tổng thống D. Trump phát biểu về chiến lược mới tại Afghanistan

Một điểm đáng chú ý là Tổng thống Trump đã tranh cử dựa trên quan điểm hạn chế dự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở nước ngoài và trong nhiều năm qua. Ông đã ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan với lập luận rằng Mỹ đang tiêu tốn hàng triệu USD.

Tuy nhiên, tối 21/8, ông Trump thừa nhận đã thay đổi đường hướng được nêu ra trong các bình luận trước đó, khẳng định rằng việc nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan sẽ “lợi bất cập hại”.

Ông nói: “Thiên hướng ban đầu của tôi đó là rút quân và trước đây, tôi muốn làm theo thiên hướng đó, nhưng tôi từng nghe nói rằng các quyết định thường rất khác biệt khi các bạn ngồi ở Phòng Bầu dục.

Việc vội vàng rút quân sẽ tạo ra khoảng trống khiến những kẻ khủng bổ - bao gồm IS và al-Qaeda – sẽ ngay lập tức nhảy vào, như những gì xảy ra trước vụ 11/9”.

Rũ bỏ trách nhiệm?

Mặc dù ông Trump đã cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ và quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban, song ông nói rõ rằng chính quyền ông sẽ đưa ra các quyết định khác.

Ông Trump nói: “Tôi chia sẻ sự tức giận của người dân Mỹ với chính sách đối ngoại dành quá nhiều thời gian, sức mạnh, tiền bạc và quan trọng nhất là mạng sống con người để tái xây dựng các quốc gia theo hình ảnh của chúng ta thay vì theo đuổi các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta.

Cuối cùng, chính người dân Afghanistan mới là người làm chủ tương lai của họ… Chúng ta sẽ không xây dựng quốc gia của họ một lần nữa. Chúng ta chỉ tiêu diệt khủng bố”.

Lính Mỹ tại hiện trường một vụ đánh bom ở Torkham, tỉnh Nangarhar, Afghanistan

Ông Trump khẳng định rằng quân đội sẽ không được sử dụng để “xây dựng các nền dân chủ ở vùng xa xôi hay cố gắng tái xây dựng các quốc gia theo hình ảnh của chúng ta. Những ngày đó không còn nữa”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã bày tỏ lập trường cứng rắn với Pakistan. Nhà Trắng có kế hoạch gây sức ép với nước láng giềng Pakistan để họ thúc ép các tổ chức khủng bố trong và ngoài biên giới nước này.

Ông Trump nói: “Chúng ta không thể giữ im lặng về những nơi trú ẩn mà Pakistan dành cho các tổ chức khủng bố, Taliban và các tổ chức khác vốn gây ra mối đe dọa cho khu vực và bên ngoài. Pakistan sẽ thu được nhiều lợi ích qua việc hợp tác với chúng ta ở Afghanistan. Họ sẽ để mất nhiều thứ nếu tiếp tục chứa chấp các kẻ khủng bố phạm tội”.

Ông Trump bày tỏ dấu hiệu sẽ cắt viện trợ cho Pakistan, một chiến thuật được sử dụng trong quá khứ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã cắt 50 triệu USD viện trợ cho Pakistan với lý do Lầu Năm Góc mô tả là hành động không đủ để chống lại mạng lưới khủng bố Haqqani.

Ngoài ra, phần lớn bài diễn văn của Tổng thống Trump giành để chỉ trích các quyết định của các chính quyền cũ của cựu Tổng thống Bush và Obama.

Ông Trump đã nhanh chóng khẳng định rằng thời hạn rút quân khỏi Iraq năm 2011 - thỏa thuận được ký kết bởi Tổng thống George W. Bush năm 2008 - là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của IS.

Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan không có gì "mới"

Ông Trump nói: “Như chúng ta biết, năm 2011, Mỹ đã rút quân khỏi Iraq một cách hấp tấp và sai lầm. Kết quả là thành quả mà chúng ta khó khăn mới giành được đã rơi vào tay các kẻ thù khủng bố.

Khoảng trống chúng ta tạo ra vì rời khỏi đó quá sớm mở ra chỗ trú ẩn an toàn cho IS. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm ở Afghanistan như những gì các nhà lãnh đạo trước đây đã gây ra ở Iraq”.

Trang The National Interest của Mỹ thừa nhận vấn đề Afghanistan đã làm đau đầuc chính quyền Mỹ kể từ năm 2001. Hiện giờ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tranh cãi gay gắt xem chiến lược nào có thể đem lại thành công cho họ trong vấn đề Afghanistan hơn so với các chính quyền tiền nhiệm và giúp "đảo ngược thế bế tắc" ở quốc gia này.

Tờ này dẫn ý kiến của một quan chức ngoại giao kỳ cựu của Mỹ - ông Earl Anthony Wayne, hoạt động trong ngành ngoại giao của Mỹ khoảng gần 40 năm, từng nắm giữ các vị trí cấp cao của Mỹ ở Afghanistan trong giai đoạn 2009-2011, đề xuất 7 "trụ cột" cần thiết cho một chiến lược toàn diện ở Afghanistan.

Cụ thể, 7 “trụ cột” này bao gồm: (1) Các chiến thuật an ninh và quân sự cũng như công tác xây dựng năng lực; (2) Nền chính trị nội bộ của Afghanistan; (3) Năng lực quản trị và năng lực kinh tế; (4) Vai trò của Pakistan; (5) Các lựa chọn cho một giải pháp phi quân sự; (6) Sự ủng hộ quốc tế; (7) Một chính sách hiệu quả của Mỹ và quá trình xây dựng ngân sách.

Trong trụ cột thứ 7, giới phân tích Mỹ thừa nhận cần phải có sự ủng hộ từ Trung Quốc, Nga và cả Iran.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn