Thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất phải đền bù: Lạ quá!

Thứ ba, 29/08/2017, 09:04
Xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là vi phạm hoạt động sử dụng đất quốc phòng. Vì thế nhà nước không phải đền bù khi thu hồi.

Mới đây chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Tĩnh, người nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên (Lobico) và hiện giữ chức phó chủ tịch HĐQT Lobico, ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, dự án trên có đầy đủ hồ sơ pháp lý, được Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt trước khi thực hiện. Do đó, nếu dự án bị thu hồi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được bồi thường xứng đáng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện tài chính khẳng định, không đồng tình với phát biểu trên của doanh nghiệp.

Theo ông Thịnh, khu vực sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất được dư luận và báo chí nhắc đến nhiều thời gian qua là đất quốc phòng, nằm trong dự phòng của Bộ Quốc phòng để xây dựng, mở rộng đường băng. Theo quy định, chúng ta không được làm bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến quỹ đất dự phòng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về thiệt hại khi thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì thế trong trường hợp này, khi giao diện tích đất trên cho doanh nghiệp làm sân golf là không đúng nhiệm vụ và trái các quy định về thẩm quyền sử dụng.

“Theo tôi ở đây có sự vi phạm hoạt động sử dụng đất quốc phòng nói riêng, sử dụng đất đai nói chung.

Nếu đã như vậy thì không có đền bù gì cả. Doanh nghiệp triển khai xây dựng công trình mà biết rõ đó là đất quốc phòng thì phải tự chịu trách nhiệm trước luật pháp cũng như chịu thiệt hại nếu có.

Thậm chí, phải xử lý kỷ luật 1 số thành phần, cơ quan giao đất không chính xác giao đất cho doanh nghiệp xây dựng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trong trường hợp doanh nghiệp khẳng định làm đúng luật và có đầy đủ hồ sơ, thủ tục giấy tờ của các Ban ngành ở Trung ương, địa phương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

“Như tôi đã nói, về mặt nguyên tắc là nhà nước không có bồi thường. Nhưng doanh nghiệp nói có các giấy phép, giấy tờ của các cơ quan cần thiết thì phải mang ra xem xét, xử lý cụ thể. Ai là người ra quyết định sai, cấp nào ra quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngân sách nhà nước không chi trả việc này”, ông Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, việc xử lý các tài sản công nói chung cũng như đất đai nói riêng trong thời gian vừa qua không đúng với mục tiêu cũng như cách thức quản lý mà nhà nước đề ra.

Người dân than phiền và bức xúc trước việc nhiều trường hợp người dân thấp cổ bé họng vi phạm dù nhỏ nhưng bị xử lý rất nặng. Trong khi đó nhiều dự án lớn hàng nghìn tỷ vi phạm thì cơ quan chức năng không làm triệt để, đến nơi đến chốn.

“Đây là 1 trong những vấn đề mà các cơ quan quản lý phải siết chặt hơn. Không những trong quản lý đất đai mà cả các hoạt động khác”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Nhà nước phải có chính sách đền bù thỏa đáng

Ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam, Doanh nghiệp từng nắm 30% cổ phần của Lobico đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh việc thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Minh khẳng định, hiện bản thân không còn vai trò gì trong Lobico nên không thể trả lời thay cho doanh nghiệp này việc dự án có thể bị thu hồi để mở rộng sân bay.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ một doanh nghiệp, ông Minh cho rằng việc Nhà nước thu hồi đất các dự án để phục vụ các nhu cầu an sinh xã hội hay quốc phòng, an ninh là việc không có gì bàn cãi.

"Vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có chính sách bồi thường thỏa đáng cho khoản đầu tư doanh nghiệp đã bỏ ra", ông Minh khẳng định với PV.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích