Cử nhân chạy xe ôm

Thứ tư, 30/08/2017, 11:51
Đội ngũ chạy xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề.

Cử nhân T. đang dùng ứng dụng điện thoại để đón khách

Điều này đặt ra những câu hỏi về chất lượng đào tạo của trường ĐH, cung - cầu tuyển dụng và khả năng đáp ứng công việc của người lao động VN.

Thu nhập nhiều hơn cử nhân luật!

N.H.C, tốt nghiệp ngành quản lý nhà hàng - khách sạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đứng ở ngã tư Nguyễn Thông - Điện Biên Phủ (TP.HCM) cùng các đồng nghiệp để đợi khách. C. cho biết tốt nghiệp ĐH đã 3 năm. Hai năm đầu, C. xin vào một nhà hàng nhưng làm mãi chỉ được ăn lương phục vụ vài triệu đồng/tháng nên nản quá C. nghỉ việc và xin vào làm nhân viên của một trung tâm thương mại, nhưng cũng không khá hơn như mong đợi. Sau một số lần đi dịch vụ xe ôm của Grab, nghe các tài xế kể làm ăn được lắm, mỗi tháng ít nhất chục triệu, C. thấy mê nên bỏ việc để bắt đầu nghiệp xe ôm.

“Hồi mới chạy, tài xế còn ít nên mỗi ngày trừ hết chi phí em còn được 400.000 đồng. Nhưng nay đông rồi, thu nhập chỉ còn khoảng hơn 200.000 đồng. Tính ra đi làm nhà hàng lương cũng chỉ được 4 - 5 triệu đồng/tháng, cuối tháng mới được lãnh. Trong khi chạy xe ôm lãnh hằng ngày, mà không bắt buộc phải làm 8 tiếng/ngày, có sức thì chạy 12 tiếng, lúc nào mệt thì tắt mạng nghỉ ngơi một lúc rồi chạy tiếp, mọi thứ do mình chủ động”, C. chia sẻ.

"Lúc xách ba lô vào đại học, ba mẹ nở mày nở mặt với bà con hàng xóm bao nhiêu, giờ mà biết em chạy xe ôm, ba mẹ sao chịu nổi?",

M., một cử nhân chạy xe ôm

Câu chuyện qua điện thoại của chúng tôi với một tài xế khác tên T.D.M cứ được 5 - 10 phút lại bị ngắt quãng vì anh có khách. M. quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM hơn 3 năm.

Lúc mới tốt nghiệp, xin việc làm đúng ngành mãi không được, M. vào làm kỹ thuật cho một công ty điện thoại nhưng do mức lương “3 cọc 3 đồng” nên M. tranh thủ chạy xe ôm công nghệ vào buổi tối.

Làm một thời gian thấy “ngon”, M. nghỉ việc để chạy xe ôm toàn thời gian. Có lúc một tuần M. kiếm được 4 triệu, một tháng 16 triệu đồng. Trong khi văn phòng luật sư chỉ trả cho M. 2,5 triệu đồng/tháng, làm kỹ thuật viên cũng chỉ được cao hơn một chút. Chạy xe nhận luôn “tiền tươi” không phải chờ đợi lâu nên M. thấy vui khi có tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê cho ba mẹ.

Chúng tôi hỏi: “Ba mẹ ở quê biết em chạy xe ôm không?”, M. buồn rầu: “Em không dám nói đang chạy xe ôm. Ở quê ba mẹ vẫn nghĩ em đang làm ở văn phòng luật sư nào đó. Lúc xách ba lô vào ĐH, ba mẹ nở mày nở mặt với bà con hàng xóm bao nhiêu, giờ mà biết em chạy xe ôm, ba mẹ sao chịu nổi?”.

Còn N.Trường tốt nghiệp ngành cơ khí của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, từng làm ở nhiều nơi nhưng công việc không phù hợp chuyên môn. Sau hơn 10 năm lăn lộn qua các công ty, Trường chuyển qua lái xe ôm. Một ngày của Trường bây giờ bắt đầu lúc 4 giờ sáng, chạy đến 4 giờ chiều thì về đón con, nấu cơm cho cả nhà.

“Nếu cố gắng chạy thì thu nhập cũng tàm tạm, lại có thời gian để lo cho gia đình. Tôi cần thời gian để định hướng lại công việc theo chuyên môn của mình. Tôi cũng mất lòng tin vào các công ty. Mình làm cho công ty nào cũng muốn gắn bó lâu dài nhưng khi cảm thấy không có ích nữa thì họ lại phủi tay”, Trường nói.

Tốt nghiệp loại giỏi vẫn không tìm được việc
K.Minh, một tài xế xe ôm công nghệ, là trường hợp điển hình của sự vênh nhau giữa đào tạo và nhu cầu lao động.
Năm 2011, Minh tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi với điểm trung bình 8,25 tại Trường ĐH Hải Phòng. Cầm bằng đỏ đi xin việc khắp nơi không được, Minh vào TP.HCM. Bỏ tất cả kiến thức chuyên môn, anh xin làm bảo vệ cho một công ty. Thu nhập vẫn chưa đủ sống, Minh đăng ký chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.
“Việc ít người nhiều nên ở quê tôi, để xin được một suất dạy học mất từ 120 - 200 triệu đồng. Lớp tôi học chỉ có khoảng 25/100 người xin được việc đúng chuyên môn, còn lại phải đi làm đủ công việc trái nghề hoặc lao động phổ thông như tôi. Làm việc không đúng chuyên môn thì tiếc thời gian học ở trường ĐH bị lãng phí, nhưng phải chấp nhận để sống.
Bạn cùng phòng, học cùng lớp tôi ráng theo nghề, nhưng dạy hợp đồng 2 trường ở Bình Dương mà thu nhập cũng chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mọi người nói tôi là sao tốt nghiệp ĐH mà đi làm bảo vệ, chạy xe ôm. Nhưng thời buổi này xin việc rất khó khăn. Lúc đầu tôi có buồn và chạnh lòng, nhưng sau đó thấy bình thường”, Minh chia sẻ.
B.Mạnh, một sinh viên khác của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng đang chạy xe ôm sau khi tìm việc không được. Mạnh ngậm ngùi: “Lớp em có khoảng 90% các bạn thất nghiệp, toàn đi làm lao động phổ thông. Bạn làm phục vụ nhà hàng, bạn chạy xe ôm, bạn về quê làm ruộng”.
Có khi bị hủy chuyến, giựt tiền, trả thiếu... Ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày đau cũng như ngày khỏe đều làm vì sợ nghỉ là không có tiền trả nhà trọ, tiền gửi về quê... Thế nhưng các “cử nhân chạy xe ôm” vẫn chấp nhận một cuộc sống như thế, thậm chí có ý định lâu dài với công việc mà ngày bước chân vào giảng đường ĐH chưa bao giờ nghĩ đến.
L.T.T tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn, cũng xin mãi không được việc, có nơi nhận thì công việc không đúng chuyên môn nên không làm. “Mấy người bạn của em rủ đi chạy xe ôm cho khỏe, thời gian chủ động và mình không phải bị sai vặt, mắng mỏ”, T. cho biết.
Thế nhưng chạy xe ôm, T. cũng gặp phải những tình huống cay đắng như khách hối thúc đến nhanh, khi đến nơi thấy mình chạy xe số không được “sang trọng” nên hủy không đi. Có khách đi không trả đủ tiền, có khách bảo đợi vô nhà bạn trong hẻm rồi ra trả sau, đợi mãi không thấy đành mất tiền. Thậm chí có khách nam cứ ôm chặt cứng tài xế... “Đã vậy, công ty xe ôm họ cũng không chịu hiểu cho tài xế, cứ hăm dọa khóa tài khoản”, T. giãi bày.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn