|
Nhà in Ngô Tử Hạ, một trong những nhà in đầu tiên in tiền kháng chiến - Ảnh tư liệu Ngân hàng Nhà nước |
Tôi nhớ hồi ấy lực lượng tự vệ Hà Nội đang luyện tập chiến đấu thì cấp trên triệu tập một số chỉ huy đi dự một cuộc họp đặc biệt. Không có thư mời, chúng tôi chỉ nhận truyền đạt vắn tắt bằng miệng là nội dung họp mật, đến nơi sẽ rõ.
Đêm ấy khoảng 7h, một ngày đầu tháng 12-1945 tại ngôi nhà thuộc liên khu 2 gần chợ Đồng Xuân, tướng Vương Thừa Vũ về dự, nói: "Chính phủ chúng ta sẽ phát hành đồng tiền độc lập riêng của mình, báo cho các đồng chí vũ trang biết để chuẩn bị hỗ trợ, chống lại sự phá hoại” - ông Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304, kể.
Dập tiền dưới hầm bát giác
Thật ra ngay từ trước cuộc họp đó, một số anh em hoạt động tình báo nội thành Hà Nội như ông Giáp đã ngầm biết sẽ có đồng tiền độc lập ra đời.
Quân đội Pháp trở lại Việt Nam đòi quyền cai trị, trực tiếp và gián tiếp tấn công lực lượng cách mạng trên tất cả lĩnh vực.
Trong tài chính, Pháp cũng “khai chiến” khi chỉ đạo Ngân hàng Đông Dương đình chỉ hoàn toàn việc chuyển tiền cho Chính phủ Việt Minh.
Mục đích của quyết định này là làm cho chính phủ của người Việt mới ra đời không thể hoạt động được, và hệ thống viên chức, công nhân ăn lương cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước phải trở lại phụ thuộc Pháp.
Ban đầu chương trình phát hành đồng tiền độc lập được tổ chức trong bí mật. Cơ sở đầu tiên đặt tại tầng hầm Nhà bát giác Hà Nội (nay là Viện Bảo tàng lịch sử).
Chính phủ quyết định sử dụng máy dập tiền hiếm hoi Pháp dùng để dập đồng trinh Bảo Đại mà lực lượng Việt Minh tịch thu được hồi Cách mạng Tháng Tám.
Các đồng tiền đầu tiên ra đời được dập bằng nhôm có mệnh giá 2 hào, 5 hào, sau có thêm loại 1 đồng, 2 đồng. Người vận hành máy cũng là các nhân viên cũ như ông Hoàng Thế Ngọc, Đặng Văn Khải...
Mặc dù công việc in tiền tiến hành trong bí mật và có lực lượng vũ trang kín kẽ bảo vệ, nhưng do tình hình quân Lữ Hán lúc ấy đóng quân gần khu vực nên sau đó phải chuyển về cơ sở Cây đa Nhà Bò ở phố Lò Đúc.
Bà Phạm Thị Thìn, một nữ chiến sĩ trong đội tự vệ thành Hoàng Diệu năm 1945, kể khi cầm đồng tiền độc lập này đi giao dịch, các tiểu thương ngạc nhiên vì không biết là tiền gì. Tuy nhiên, khi xem mặt đồng tiền có hình ngôi sao năm cánh thì họ hiểu và ủng hộ ngay.
|
Các nhân sĩ, tư sản đóng góp rất nhiều cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Bạc giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Song song với dập tiền kim loại, việc ra đời tiền giấy cũng được gấp gút tiến hành. Theo tài liệu của giáo sư sử học Văn Tạo, khoảng tháng 10-1945 chính phủ đã cho mời các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến... thực hiện bản vẽ các tờ bạc giấy với ba nội dung cách mạng quan trọng thời điểm ấy là “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.
Nhóm họa sĩ phải giữ bí mật tuyệt đối, đề phòng tai mắt tình báo Pháp cũng như quân Lữ Hán. Họ phân công vẽ các tờ bạc khác nhau.
Trong đó, họa sĩ Mai Văn Hiến là người vẽ chính tờ bạc mệnh giá 5 đồng, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng, họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng...
Trong khi tạo bản vẽ các tờ bạc, một việc cũng rất quan trọng khác là tìm nhà máy in tiền. Trước đây, Ngân hàng Đông Dương của Pháp lo việc này, nhưng kể từ tháng 10-1945 họ đã bất hợp tác với Chính phủ Việt Minh.
Hà Nội thời điểm ấy không có nhiều nhà máy đủ khả năng in tiền, lại không phải nơi nào cũng có thể in được.
Một may mắn là thời điểm này có nhiều nhà tư sản ủng hộ kháng chiến như ông Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện... có sẵn nhà máy ấn loát hoặc ủng hộ tiền bạc để trực tiếp mua giúp phương tiện hoạt động.
Cuối cùng, việc in tiền giấy được quyết định thực hiện tại các nhà in Taupin, Ideo, Ngô Tử Hạ, Lê Văn Tân...
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến kể: “Trước hết, chúng tôi chạy mua hai máy in tiền, một của Hãng Taupin, một của Hãng Extreme Orient. Tối thiểu phải có hai máy đề phòng sự cố. Về giấy, chúng tôi dùng Nhà máy giấy Đáp Cầu để sản xuất giấy in tiền. Ngay từ cuối năm 1945, những tờ bạc Cụ Hồ đầu tiên đã xuất xưởng”.
Nhóm họa sĩ hoàn thành tốt các bản vẽ giấy bạc, nhưng còn các bộ phận thực hiện quan trọng sau đó như làm bản kẽm, thợ kỹ thuật vận hành máy in liệu có thể tin tưởng được trong tình hình phải bảo vệ bí mật nghiêm ngặt việc in tiền?
Thời điểm ấy, Hà Nội cũng như cả nước không có nhiều người thông thạo lĩnh vực kỹ thuật này, trong khi một số lại bỏ việc về quê sau các biến động thời cuộc.
Các cán bộ phụ trách việc in tiền phải đi dò hỏi, xác minh thái độ chính trị từng người thợ có tay nghề giỏi để mời họ giúp đỡ kháng chiến. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thời điểm cuối năm 1945 giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính, phải thường xuyên đi lại như con thoi để chỉ đạo công việc vô cùng quan trọng và tối mật này.
Để kịp tiến độ đưa đồng tiền mới đến các cơ quan chính phủ và người dân, các máy in lúc đó gần như chạy suốt 24/24 giờ.
Hầu như máy chỉ dừng lại để các thợ kỹ thuật sửa chữa khi bị trục trặc máy móc. Sau rất nhiều nỗ lực, tờ tiền được in đầu tiên có mệnh giá 20 đồng với màu vàng chủ đạo.
Một mặt in ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chính giữa góc trái, một mặt có hình các công nhân, nông dân và con trâu.
Dải băng kéo dài trên tờ bạc in đậm tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng hai chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Sở Ngân khố.
Sau tờ bạc 20 đồng, các tờ bạc 100 đồng, 500 đồng cũng được in ra, tương ứng với mệnh giá các tờ bạc Đông Dương của Pháp phát hành lúc ấy.
Sắc lệnh phát hành Mốc lịch sử của đồng tiền độc lập bắt đầu từ ngày 1-12-1945, Bộ Tài chính ký sắc lệnh 76/TC chính thức phát hành các đồng hào nhôm từ vĩ tuyến 16 trở ra. Đến ngày 31-1-1946, tiền giấy mới in tiếp tục được phát hành ở khu vực này và cả Nam Trung Bộ. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể: “Thời điểm ấy tôi đang chiến đấu ở Khánh Hòa, lần đầu cầm tờ bạc độc lập có in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà xúc động đến lặng người. Nhiều đồng bào chấp nhận đổi 1 đồng tiền mới này ngang với 1 đồng, thậm chí 1,2 đồng Đông Dương của Pháp”. |
Theo TTO