Đức ủng hộ dỡ bỏ trừng phạt Nga không gắn với Crimea

Thứ tư, 30/08/2017, 17:12
Việc dỡ bỏ trừng phạt Nga sẽ chỉ được áp dụng nếu quá trình thực thi Thỏa thuận hoà bình Minsk diễn ra thuận lợi...

Đức bất ngờ ủng hộ dỡ bỏ trừng phạt Nga mà không gắn với vấn đề Crimea

Reuters đưa tin, ngày 29/8 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu trong cuộc họp báo mùa Hè thường niên ở Berlin rằng việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ có lợi cho cả hai nước, tuy nhiên không thể thiếu một số điều kiện.

Theo bà Merkel, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga sẽ được áp dụng nếu quá trình thực thi Thỏa thuận hoà bình Minsk diễn ra thuận lợi, giải quyết vấn đề tại khu vực Donbass với sự tham gia của Mỹ và một khi Kiev giành lại quyền kiểm soát Donbass.

Thủ tướng Merkel đã thay đổi quan điểm về vấn đề Crimea

Người đứng đầu Chính phủ Đức cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt Moscow "sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Nga và Đức", Reuters tường thuật.

Trước đó, ngày 28/8, trong cuộc họp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Angela Merkel cũng đã kêu gọi Nga và Ukraine nỗ lực thực hiện Thỏa thuận hòa bình được thông qua tại Minsk vào năm 2015 theo "quá trình Normandy".

Trong khi đó, tại cuộc họp báo cùng người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 29/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết Đức và Châu Âu mong muốn các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga không dẫn tới một "kỷ nguyên băng hà" mới giữa Nga và phương Tây.

"Chúng tôi là người châu Âu có mối quan ngại lớn rằng điều này sẽ có những hậu quả không mong đợi đối với châu Âu. Chúng tôi không muốn hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng ", ông Gabriel trải lòng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries trước đó thậm chí còn kêu gọi EU trả đũa Mỹ nếu các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Nga đẫn đến việc trừng phạt các công ty của Đức.

Mặc dù vậy, Berlin vẫn khẳng định Moscow phải là một bên tham gia thực hiện  thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine, bao gồm cả việc thu hồi vũ khí hạng nặng, và cho rằng "đó là điểm khởi đầu cho việc cải thiện mối quan hệ", như lời ông Gabriel.

Như vậy, theo quan điểm của Chính phủ Đức, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga là gắn liền với "quá trình Normandy" - hoà bình cho miền đông Ukraine, vấn đề tái hoà nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga đã không còn được nhắc tới nữa.

Có thể thấy rằng, "nút thắt Crimea" trong quan hệ Nga - phương Tây đã tìm ra mối gỡ. Đây là một thắng lợi chính trị rất quan trọng của Moscow, cho dù quyền lợi kính tế của Nga trên bán đảo chiến lược này vẫn luôn bị phương Tây kiểm toả,

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Vấn đề Crimea đã thực sự trở thành thoả thuận tạm thời vĩnh viễn?

Còn nhớ, ngày 5/8, Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner cho rằng đã đến lúc Đức và Châu Âu phải chấp nhận việc Moscow tái sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga như một "thoả thuận tạm thời vĩnh viễn".

Theo nhà chính trị cực hữu của Đức, dựa trên tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Đức và EU, Berlin cần phải "đóng gói" vấn đề Crimea lại, để đổi lấy chính sách thân thiện của Moscow.

Ý kiến của Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Đức đã nhận được sự ủng hộ của Điều phối viên chính sách với Nga của nhà nước Đức, ông Gernot Erler, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Ông Erler cho biết, châu Âu đã đồng ý tập trung vào việc chấm dứt bạo lực ở miền đông Ukraine trước khi đề cập đến vấn đề Crimea trong một tiến trình chính trị sau này, theo tường thuật của Funke Mediengruppe

Tiếp sau đó là ngày 19/8, đến lượt ông Alexander Gauland, Phó Chủ tịch đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) - người dẫn dắt AfD trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới tại Đức - cũng yêu cầu Berlin thừa nhận việc Crimea tái hoà nhập vào nước Nga.

Ông Gauland cho rằng, việc tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga đã diễn ra theo một quy trình dân chủ, khi người dân bán đảo này đã thể hiện ý nguyện qua một cuộc trưng cầu dân ý. Vì vậy, vấn đề không thể đảo ngược.

“Crimea sẽ không bao giờ thuộc về Ukraine một lần nữa. Các biện pháp trừng phạt sẽ không thể buộc Nga từ bỏ bán đảo này. Vì vậy, Đức cần phải nhìn nhận Crimea là một phần không thể tách rời của nước Nga”, ông Gauland quả quyết.

Điều đó cho thấy cả ông Gauland, ông Lindner và ông Erler đều ủng hộ Berlin cải thiện quan hệ với Moscow, thay đổi quan điểm về việc Nga tái sáp nhập Crimea, để giảm bớt rào cản đối với an ninh và lợi ích kinh tế của Đức và châu Âu.

Vấn đề Crimea cần phải được khép lại, để mở ra lối thoát cho cuộc xung đột Ukraine

Tuy nhiên, đã có nhiều nhìn nhận đó chỉ là quan điểm của những chính trị gia theo quan điểm cực hữu, có lập trường chính trị "thân Putin", chứ không phải là quan điểm của lực lượng cầm quyền tại Đức.

Nay thì cả Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Bộ trưởng kinh tế Đức đều ủng hộ dỡ bỏ cấm vận Nga gắn liền với Donbass chứ không phải Crimea, điều đó chứng tỏ Berlin đã thực sự thay đổi trong vấn đề Crimea.

Quan trọng hơn Washington cũng có sự tương đồng với Berlin, khi gần đây ông Kurt Volker, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine cho biết, Mỹ "ủng hộ toàn bộ quá trình Normandy mà không có ý định cản trở", theo tường thuật của Deutsche Welle.

Và mới đây nhất, việc luật hoá ý tưởng ly khai của các thực thể trong thành phần nhà nước Ukraine cũng chỉ đề cập đến khu vực miền đông, qua Dự luật tái nhập Donbass của chính quyền Kiev. Phải chăng vấn đề Crimea đã được đưa vào quá khứ để ván cờ Ukraine có thể sáng ra?

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn