|
Điện thoại di động của Trung Quốc phát triển nhanh nhờ thị trường nội địa rộng lớn - Ảnh: AFP |
Hiện nhiều công ty của Trung Quốc đang dẫn đầu trong mô hình kinh doanh và dịch vụ mới khiến cả thế giới phải ngó theo.
Theo báo Financial Times, có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng "cất cánh" của doanh nghiệp Trung Quốc.
Có thể liệt kê một vài trường hợp: cạnh tranh trong một không gian được bảo vệ (ví dụ như Facebook, Twitter, Google… bị cấm ở Trung Quốc) nên tạo môi trường giảm thiểu rủi ro và khuyến khích các công ty thử nghiệm; thị trường Trung Quốc rộng lớn; sự thay đổi trong ý thức hệ, giới trẻ Trung Quốc không trải qua khó khăn như cha mẹ, có được điều kiện tốt như các bạn đồng lứa Mỹ, Âu…
Sau đây là một số lĩnh vực kinh doanh người Trung Quốc đi tiên phong:
Chia sẻ xe đạp
|
Một người dùng dịch vụ thuê xe đạp ở Thượng Hải (trái), và hình ảnh quảng cáo dịch vụ tương tự của LimeBike ở Mỹ - Ảnh chụp màn hình |
Trung Quốc là nước khởi xướng mô hình cho thuê xe đạp không cần điểm tập kết, vượt trội hơn so với các dịch vụ tương tự ở London và New York.
Xe đạp được mở khóa bằng phần mềm điện thoại, có thể được sử dụng và bỏ lại ở bất cứ địa điểm nào. Một số được lắp thêm thiết bị định vị GPS.
Một số dịch vụ đang hoạt động như Mobike (màu cam), Ofo (màu vàng), Ziaoming (màu xanh)… Người ta nói đùa rằng giới hạn cho các công ty tham gia thị trường này ở Trung Quốc là khi họ không còn màu nào để phân biệt!
Theo sau Trung Quốc, LimeBike tung ra dịch vụ tương tự ở Mỹ tại các bang California, North Carolina và Florida.
Mã QR
|
Tính năng mã QR của Spotify chạy theo WeChat của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình |
Ở Trung Quốc, mã QR chính là chìa khóa mở ra thế giới số. Chỉ cần quét một mã QR trên điện thoại, người ta có thể thuê xe đạp, thanh toán hàng hóa, ghi nhận thông tin của một người mới quen (name card trở nên vô dụng)…
Ở Mỹ, mã QR bị bỏ rơi năm 2013 nhưng bây giờ các công ty bắt đầu xem xét lại. Snapchat "nhặt" lại ý tưởng này năm 2015, cho phép người dùng theo dõi nhau bằng cách quét mã QR giống như WeChat, rồi tiến đến là truy cập website.
Facebook trong năm nay dùng mã QR để làm quà giảm giá trong một số cửa hàng online, trong khi Spotify dùng công nghệ này cho phép người dùng chia sẻ nhạc…
Mạng xã hội
Việc WhatsApp tháng vừa qua giới thiệu tính năng tài khoản doanh nghiệp cho thấy họ đang tiến thêm một bước theo con đường của đồng nghiệp Trung Quốc WeChat.
WeChat - phần mềm chat và mạng xã hội của Tencent, từ lâu đã xâm nhập thế giới kinh doanh. Bây giờ nó là không gian tập trung không chỉ công ty, người nổi tiếng mà còn cả cơ quan chính phủ.
WeChat có hơn 20 triệu "tài khoản chính thức" dù không phải tất cả đều được kiểm chứng. Doanh nghiệp có thể chạy quảng cáo, chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc đơn thuần là cung cấp thông tin đến người dùng.
WhatsApp, phần mềm do Facebook sở hữu, đang nối gót WeChat và bổ sung tính năng kiểm tra tài khoản để giúp người dùng nhận ra cửa hàng, dịch vụ gốc.
Bán lẻ
|
Mua sắm trong thời đại Amazon, Alibaba... đã trở nên tiện dụng hơn bao giờ hết - Ảnh: Reuters |
Thị trường từng được một phen kinh ngạc khi Tập đoàn Amazon hồi tháng 6 vừa qua tung ra 13,7 tỉ USD mua lại Whole Foods, mang cuộc cạnh tranh online khốc liệt vào thế giới thực phẩm bán lẻ.
Nhưng các đối thủ Trung Quốc đã đi trước một đoạn. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hồi tháng 5 vung tiền mua lại cổ phần chuỗi siêu thị Lianhua, và trước đó là trung tâm thương mại Intime. JD.com với kế hoạch tấn công ngành bán lẻ.
Alibaba gọi mô hình này là "bán lẻ kiểu mới", kết hợp giữa online và cửa hàng để chiều lòng khách hàng tốt hơn. Họ có thể thử cái áo khoác, chọn hộp thức ăn cho mèo… tại cửa hiệu, rồi yêu cầu giao hàng đến một địa chỉ nào đó theo thời gian mong muốn.
Trên hết, doanh nghiệp có thể thu thập rất nhiều thông tin về khách hàng qua cách thức, lựa chọn và thói quen mua sắm.
Tiếp theo là gì?
Giới doanh nghiệp Trung Quốc dường như vẫn còn rất nhiều sáng kiến, ý tưởng để các nước khác bắt chước.
Thanh toán di động ở Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Quốc, vốn đạt đến con số 8,8 ngàn tỉ USD trong năm 2016, theo iResearch.
Tại Trung Quốc, thói quen tặng tiền "kỹ thuật số", chẳng hạn vào dịp năm mới, rất thịnh hành. Hiện dịch vụ này đã xuất hiện ở Ấn Độ với phần mềm Hike do Tencent chống lưng.
|
Cá robot bơi lội tại một hội chợ triển lãm công nghệ cao ở Trung Quốc năm 2016 - Ảnh: Reuters |
Giới kinh doanh nhận xét nhiều mô hình dịch vụ của Trung Quốc cũng đang được nhân rộng ra ở khu vực Đông Nam Á.
Orami - doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến hàng đầu của Thái Lan ban đầu là bắt chước nền tảng Mia của Trung Quốc; Offpeak là phiên bản Malaysia của Meituan; Babe - phần mềm của Indonesia vay mượn ý tưởng từ Toutiao…
Theo báo Financial Times, bên cạnh đó, một xu hướng được thèm muốn nhất ở Trung Quốc lại là giáo dục. Trung Quốc năm ngoái cho ra lò số cử nhân khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học nhiều gấp 9 lần so với Mỹ.
Dù đặt trong bối cảnh dân số Trung Quốc đông hơn nhiều, nước này vẫn đang "đấm trên hạng cân", cho thấy rất nhiều tiềm năng, sáng kiến còn có thể ra đời ở Trung Quốc.
Theo TTO