9h ngày mai (18/10), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cùng Công ty cổ phần Beepro sẽ khởi công dự án thi công cây xanh lớn nhất cả nước. Số lượng cây xanh được chặt hạ, di chuyển, cắt tỉa khoảng 1.289 cây, nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
Đại diện công ty trên cho biết với tiêu chí hạn chế tối đa việc chặt cây xanh, trong số gần 1.300 cây, thành phố quyết định di chuyển gần 1.000 cây. Những cây sâu, cong, nghiêng mục sẽ bị chặt hạ.
Thời gian thi công cây xanh tại công trường Phạm Văn Đồng khoảng 6 tháng. Sau khi cắt tỉa, đào gốc, cây sẽ được đưa đến trồng mới tại các ô đất thuộc vị trí các nút giao Tả Hồng - Đại lộ Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 1, quốc lộ 5…
Tại các nút giao này đã hoàn thiện tuy nhiên chưa được đầu tư cây xanh.
Hai hàng cây dọc đường Phạm Văn Đồng sẽ bị di chuyển, chặt hạ vào ngày mai (18/10). Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước khi chặt hạ, di chuyển, cắt tỉa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), công ty trên cũng đã được UBND Hà Nội đồng ý cho thực hiện di chuyển cây xà cừ cổ thụ đoạn Kim Mã - Voi Phục để giải phóng mặt bằng thi công metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Trong gần 1.300 cây xanh thuộc diện di dời, chặt hạ có 986 cây xà cừ, 38 cây sấu, 65 cây hoa sữa, 11 cây phượng. Dự kiến đơn vị thi công sẽ chặt hạ 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và di chuyển khoảng gần 1.000 cây.
Trước đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sau khi di chuyển, chặt hạ gần 1.300 cây xanh, đường Phạm Văn Đồng sẽ được trồng mới 1.500 cây giáng hương. Cây xanh sẽ được trồng 4 tầng. Cây tầm cao, cây tầm trung, cây tầm thấp và lớp thảm.
Rút kinh nghiệm về việc chặt hạ, di chuyển cây trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) để thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các cơ quan chức năng đã đánh giá tác động môi trường khi chặt hạ cây xanh tại đường Phạm Văn Đồng.
Dọc được Phạm Văn Đồng sẽ được thay thế bằng cây giáng hương. Ảnh: Google Maps. |
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là một trong 52 công trình trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020.
Tổng chiều dài tuyến đường này là 5,5 km. Điểm đầu là ngã tư Mai Dịch và điểm cuối là cầu Thăng Long.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo Zing