Công ty công nghệ Tiên Phong chuẩn bị trình lại báo cáo điều chỉnh đề án Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM lên cơ quan chức năng TP.HCM. Trong nội dung điều chỉnh sắp được báo cáo, nhà đầu tư có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tế.
So với đợt báo cáo đề án với Sở GTVT TP.HCM đầu tháng 9 vừa qua, nhà đầu tư đã bỏ nội dung thu phí ôtô qua đường Trường Sơn, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đề án mới vẫn chỉ tập trung tại khu vực nội đô như kế hoạch trước đây.
Theo nhà đầu tư, việc thu phí ôtô chỉ áp dụng vào giờ cao điểm để giảm lượng xe ôtô vào trung tâm thành phố, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt và vận tải công cộng.
Nhà đầu tư giải pháp cũng vừa thay đổi công nghệ thu phí khi sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR). Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn.
Nhà đầu tư sẽ xây các cột, cổng có gắn camera để thu phí tự động bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10 như: Đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Khu vực giới hạn thu phí ôtô ra vào trung tâm TP.HCM có thu phí. Đồ họa: Minh Trí. |
Khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ được mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không cho đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.
Giá thu phí ôtô con là 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h), để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện nhà đầu tư cho rằng đơn vị vẫn trong giai đoạn triển khai nghiên cứu nội dung đề án hoàn chỉnh trước khi báo cáo lên cơ quan chức năng UBND TP.
Chia sẻ về câu chuyện đặt các trạm thu phí, đại diện nhà đầu tư nhấn mạnh đơn vị chỉ đầu tư giải pháp, còn kinh phí thu từ người dân sử dụng vào việc gì là do UBND TP quyết định. Nhà đầu tư cũng cho biết không có chuyện phải xây dựng các trạm thu phí tốn kém, mà chỉ có mấy cái cổng, cột để gắn camera, sử dụng thu phí tự động, không dừng xe.
Đề cập đến lo lắng phí chồng phí, khi ôtô hàng năm đã đóng phí tu dưỡng đường bộ, nhà đầu tư cho rằng đây là 1 loại phí riêng, muốn thu phí này phải trình Quốc hội. Đề án thu phí ôtô ra vào trung tâm nằm trong các giải pháp giảm ùn tắc giao thông của TP.HCM.
Nhà đầu tư khẳng định giải pháp thu phí ôtô vào nội đô sẽ có lợi cho gần 95% người dân. Hiện theo thống kê, ôtô chiếm 10% lượng khách, nhưng chiếm 60% mặt đường. Xe máy chiếm hơn 80% chuyến đi nhưng chỉ chiếm 40% mặt đường.
Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo thống kê, ôtô chiếm 10% lượng khách, nhưng chiếm 60% mặt đường. Xe máy chiếm hơn 80% chuyến đi nhưng chỉ chiếm 40% mặt đường . Ảnh: Lê Quân. |
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định đây là đề án thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố, không phải thu phí bảo trì đường bộ. Mục tiêu dự án không phải để kinh doanh thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Theo ông Cường, về mặt pháp lý, việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã có kiến nghị T.Ư. cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này. Tiền thu phí sẽ do thành phố quản lý.
Hiện chủ đầu tư đang tiếp nhận góp ý của các sở, ngành hoàn thiện, làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất. Nếu dự án khả thi thì đến năm 2020 sẽ triển khai để đồng bộ với tuyến metro số 1.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên trường Đại học Việt - Nhật cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô được rất nhiều nước thực hiện thành công.
Tại TP.HCM, nếu đề án được thông qua, khi thu phí, người dân sẽ cân nhắc tìm cách giảm số chuyến đi bằng ôtô vào trung tâm thành phố. Phương tiện thay thế chủ yếu mà người ta nghĩ đến sẽ là phương tiện công cộng hoặc xe máy. Nếu phương tiện công cộng không đủ tốt, người dân sẽ duy trì đi xe máy.
Tiến sĩ Phan Lê Bình khẳng định việc hạn chế phương tiện cá nhân không dễ. Nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng mức độ thành công hạn chế.
“Không thể lấy Singapore ra để so sánh với TP.HCM được. Bởi nước này quy mô đất nước nhỏ nên dễ quản lý. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng bên đó khá tốt, phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu người dân”, tiến sĩ Bình nói.
Các chuyên gia tin rằng người dân sẽ duy trì việc chạy xe máy vào trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
Trong khi đó, tiến sĩ, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng thu phí vào nội đô đã được nhiều thành phố tại các quốc gia phát triển áp dụng rất thành công như Pháp, Mỹ, Singapore…
Việc thu phí phương tiện sẽ giúp hạn chế phương tiện vào giờ cao điểm, giúp giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc thu phí ôtô vào nội đô TP.HCM phải được cân nhắc kỹ lượng và có lộ trình cụ thể. Bởi hiện nay, TP.HCM chưa đủ điều kiện để thực hiện biện pháp này.
Tiến sĩ Thủy khẳng định việc thu phí phương tiện vào nội đô tại TP.HCM phải cân nhắc, như khi tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân phải đảm bảo phương tiện công cộng đáp ứng được tối thiểu 35% nhu cầu. Hãy nhìn lại TP.HCM, chỉ 10% người dân sử dụng phương tiện công cộng. Các tuyến metro liên tiếp chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Bên cạnh đó, TP.HCM phải tính toán được khi thu phí ôtô có xảy ra bùng phát xe máy không. Bởi rất ít người dân chọn phương tiện công cộng. Khi cấm ôtô, người dân chuyển sang đi xe máy thì tắc vẫn hoàn tắc.
Hồi năm 2010 UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó bị ngưng.
Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.
Theo Sở GTVT đây là giải pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM. Dự án sẽ được báo cáo với UBND TP.HCM trong thời gian tới nhằm sớm đưa vào áp dụng.
Theo Zing