Chủ nghĩa quốc gia Tây Ban Nha: Gốc rễ của khủng hoảng Catalonia

Thứ bảy, 28/10/2017, 08:37
Vai trò then chốt của chủ nghĩa quốc gia xuyên suốt lịch sử TBN được làm rõ trong bài viết của chuyên gia Gerard Padró i Miquel, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.    

Mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Catalonia đã bén rễ từ nhiều thập kỷ trước. Bất kỳ người quan sát nào cũng có thể chứng thực rằng Tây Ban Nha là một đất nước rất đa dạng, đặc biệt về hoạt động kinh tế và ý thức quốc gia. Thực tế này thường gây ra căng thẳng chính trị giữa vùng trung tâm chính quốc và các khu vực “ngoại vi”. Trong vài thập kỷ qua, tình trạng này lại càng trở nên nặng nề hơn, kể cả sau đêm trường tăm tối của Catalonia dưới sự cai trị của độc tài Franco.

Sau cái chết của nhà độc tài năm 1975, một kỷ nguyên mới mở ra. Thế nhưng, nó cũng chẳng phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng. Xây dựng khuôn khổ thể chế cho nền dân chủ nghị viện mới đòi hỏi một số thỏa hiệp quan trọng.

Chế độ độc tài của Franco không bị lật đổ bởi quyền lực (thực tế là không ai dưới chế độ này bị truy tố về tội ác). Catalonia được đưa vào khuôn khổ dân chủ mới. Hiến pháp năm 1978 được coi là một văn kiện thành công theo nhiều cách. Tuy nhiên, khi nói đến kiến trúc khu vực của nhà nước dân chủ, cần phải tính đến tàn dư của chế độ cũ.

Mâu thuẫn và thỏa hiệp

Một quốc gia có sự đa dạng về kinh tế và văn hoá như Tây Ban Nha có lẽ nên được tổ chức như một liên bang. Hiến pháp của Tây Ban Nha cũng phải thừa nhận thực tế là quốc gia này có thể chứa nhiều quốc gia nhỏ khác. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chủ nghĩa quốc gia Tây Ban Nha, hệ tư tưởng chính của chế độ độc tài.

Hiến pháp Tây Ban Nha chỉ chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia duy nhất và nêu cụ thể sự không thể tách rời của nó. Tuy nhiên, tuyên bố trong Hiến pháp này đi kèm một tham chiếu đến các khu vực và "dân tộc" tạo thành Tây Ban Nha. Chính quyền của các khu vực này được gọi là “cộng đồng tự trị”. Định nghĩa cụ thể về “dân tộc” và “cộng đồng tự trị” lại không hề được nhắc đến trong hiến pháp.

Cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha 1936-1939. Ảnh: Getty.

Sự mơ hồ này có lẽ là cần thiết ở thời điểm nguy hiểm đó. Hiến pháp đã được chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý với đa số người Catalonia nói “có”. Tuy nhiên, thực tế đáng chú ý là Alianza Popular, tiền thân của đảng bảo thủ cầm quyền Partido Popular (hay đảng Nhân dân), thời đó đã chia rẽ về vấn đề này.

Từ năm 1980 đến 2010, chính trị ở Catalonia là cuộc chiến giữa CiU, đảng trung hữu mơ mộng về sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc Catalonia, và đảng trung tả PSC liên minh với PSOE, đảng dân chủ xã hội thống trị chính trường Tây Ban Nha trong những năm 80 và 90 thế kỷ trước.

Cả hai bên đều đồng ý rằng mức độ tự trị của Catalonia là không đầy đủ. Lời hứa của hiến pháp đã dần dần bị xói mòn và khái niệm "dân tộc" sớm chứng tỏ là không có nội dung pháp lý. Tuy nhiên, cả hai đảng ở Catalonia đều ngầm khẳng định rằng những vấn đề này có thể được coi là một phần của hệ thống. Trong trường hợp này, họ đã đại diện cho ý kiến của phần đông người Catalonia. Điều đó cũng có nghĩa là độc lập chỉ do một số nhỏ hơn đòi hỏi dai dẳng.

Mặt hồ không còn yên ả

Thế cân bằng trở nên căng thẳng trầm trọng khi đảng Nhân dân chiếm đa số tuyệt đối ở quốc hội Tây Ban Nha năm 2000. Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia Tây Ban Nha, Catalonia cố gắng đẩy mạnh chính quyền tự trị và tìm cách chế ngự kiểm soát từ chính phủ trung ương. Họ bắt tay viết lại Estatut, văn kiện tương đương với hiến pháp của một bang trong quốc gia liên bang.

Cần lưu ý rằng quá trình này không phải do đảng bảo thủ CiU, mà do liên đảng PSC và các đảng cánh tả khác của Catalonia dẫn dắt. Mục đích rõ ràng của văn kiện là làm rõ và mở rộng trách nhiệm của chính quyền Catalonia, bảo vệ những yếu tố bản sắc Catalonia, cũng như đảm bảo và cải thiện tài chính cho chính quyền Catalonia.

Nghị viện Catalonia thông qua dự thảo Estatut với đa số áp đảo. Dự thảo năm 2005 đã nhận được 120 phiếu trong số 135 đại biểu khu vực. Chỉ 15 đại biểu của đảng Nhân dân, đảng ít hiện diện tại Catalonia, bỏ phiếu chống. Vì vậy, đây cũng có thể được coi là đề xuất của Catalonia gửi đến phần còn lại của Tây Ban Nha.

Người biểu tình ôn hòa trong "quốc khánh" Catalonia ngày 11/9/2014. Ảnh: AFP.

Theo thủ tục trong hiến pháp, bước tiếp theo là Estatut phải được Quốc hội Tây Ban Nha phê chuẩn. Vào thời điểm đó, Quốc hội Tây Ban Nha hoàn toàn có thể sửa đổi Estatut. Thế nhưng, thay vì sửa đổi, họ lại xóa sạch văn bản gốc đã có thay đổi về hầu hết mọi điều khoản trong dự thảo.

Điển hình là khái niệm Catalonia. Dự thảo nêu rõ rằng Catalonia là một Quốc gia tạo thành cộng đồng tự trị trong lòng Tây Ban Nha. Quốc hội Tây Ban Nha lại cho ra một phiên bản khác. Từ “Quốc gia” bị gỡ bỏ và chỉ được đề cập ở lời mở đầu, trong câu “Quốc hội Catalonia… đã định nghĩa Catalonia là một Quốc gia”.

Lập luận được đưa ra ở đây là Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép gọi Catalonia là “Quốc gia”, điều đó dẫn đến lựa chọn duy nhất: xóa từ này khỏi văn bản. Lập luận này không chặt chẽ.

Thứ nhất, nó chứng tỏ rằng từ "Dân tộc" mơ hồ trong hiến pháp thực ra bao gồm ý nghĩa “Quốc gia”. Thứ hai, trước đề xuất của Catalonia, Quốc hội Tây Ban Nha có thể đã quyết định đến lúc phải nâng cấp Hiến pháp Tây Ban Nha, được viết dưới sự kiểm soát của quân đội Franco. Nhưng họ lại chọn nâng cấp bằng cách hậu thuẫn quan điểm hạn chế nhất của Hiến pháp, cũng là quan điểm phù hợp nhất với chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha.

Estatut sau khi qua tay Quốc hội Tây Ban Nha đã bị biến dạng. Nó không thể thực hiện được bất kỳ nhiệm vụ ban đầu nào: bảo vệ và làm rõ quyền tự trị, tài chính khu vực và bản sắc dân tộc. Sự đồng thuận chính trị ở Catalonia đã bị phá vỡ, và cuộc trưng cầu dân ý cuối cùng năm 2006 để thông qua Estatut chỉ nhận được 74% ủng hộ trong số 49% người dân Catalonia đi bỏ phiếu.

Đảng Nhân dân, không hài lòng với kết quả này, đã đưa văn bản lên Tòa án Hiến pháp. Năm 2010, Toà án Hiến pháp sửa đổi văn bản sâu hơn, và quan trọng hơn, họ đã phán quyết rằng một số điều khoản trong văn bản không thể hạn chế được hành động của chính quyền trung ương.

Hệ quả

Sự đồng thuận ở Catalonia bị phá vỡ. Trong vài năm, tỷ lệ người ủng hộ độc lập lên đến trên 40%. Trước tình hình này, năm 2012, đảng CiU đề xuất một thỏa thuận về thuế nhưng lại bị chính quyền Madrid bác bỏ. Sau những scandal tham nhũng và chính sách thắt lưng buộc bụng từ chính phủ, đảng này quyết định hậu thuẫn làn sóng đòi ly khai, điều đã nhanh chóng trở thành ý thức hệ sống động nhất trong xã hội dân sự Catalonia.

Ngày 22/10, hơn 450.000 người Catalonia tham gia tuần hành, giơ cao biểu ngữ đòi "tự do" và "độc lập", phản đối đe dọa của Madrid sẽ giải tán nghị viện và đình chỉ chính quyền Catalonia. Ảnh: Getty.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào cuộc bầu cử khu vực năm 2015, khi những người Catalonia được chính thức lên tiếng về tương lai chính trị. Trong cuộc bầu cử này, các đảng công khai ủng hộ ly khai nhận được 48% số phiếu bầu. Các đảng ủng hộ gắn bó với Tây Ban Nha chỉ giành được 39% phiếu bầu. Phần còn lại thuộc về một đảng cánh tả ủng hộ tiến hành trưng cầu chính thức về độc lập.

Bây giờ thì sao?

Những kết quả này cho thấy Catalonia vẫn luôn có sự chia rẽ. Việc đòi độc lập không theo trình tự pháp lý không chỉ không chính đáng mà còn không mang tính đại diện. Tuy vậy, chúng cũng cho thấy phần lớn người Catalonia không chấp nhận tình trạng hiện tại. Kể từ năm 2005 khi dự thảo Estatut bị hủy, Tây Ban Nha chưa hề tỏ ra muốn giải quyết vấn đề này, hoặc cũng không có khả năng giải quyết.

Đối thoại là chắc chắn cần thiết, nhưng sự im lặng kéo dài từ phía châu Âu cũng khiến cho các chuyên gia e ngại.

Tây Ban Nha ngày nay là một đất nước đa dạng hơn trong về chính trị, nhưng thái độ chính trị của đất nước Nam Âu đối với Catalonia vẫn gợi về quá khứ đen tối của hai thế kỷ qua. Quả thật, từ năm 2010 tất cả những gì người Catalonia nhận được chỉ là sự kết hợp của sự im lặng, thái độ khinh miệt dân tộc từ Tây Ban Nha, hay thời gian gần đây là sự trấn áp của cảnh sát cùng việc bắt giữ các nhà lãnh đạo xã hội dân sự.

Theo Zing

Các tin cũ hơn