Cần 6 tỷ USD để làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Thứ hai, 30/10/2017, 08:40
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019.    

Cuối tuần này, Chính phủ trình Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”. Quốc hội sẽ xem xét để thông qua chủ trương đầu tư vào cuối kỳ họp.

Việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam được xem là một trong những nhiệm vụ lớn, cấp bách của ngành giao thông vận tải.

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng giúp giảm tải và khai thác hiệu quả quốc lộ 1A. Ảnh: Đức Phương.

Đầu tư 3 giai đoạn

Theo tờ trình, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100km, chạy qua 32 tỉnh thành phố được đầu tư theo ba giai đoạn.

Giai đoạn một, dự kiến đầu tư khoảng hơn 650km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Cụ thể, trong giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Dầu Giây (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa) và cầu Mỹ Thuận 2.

Ngoài ra, giai đoạn một dự kiến sẽ xây thêm cầu Mỹ Thuận 2 (6 làn xe).

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một gần 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.

Chiều dài các đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Văn Chương.

Giai đoạn hai (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.

Giai đoạn sau năm 2025: đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP.Cà Mau. Hai giai đoạn này sẽ đầu tư thêm hơn 700km cao tốc.

Dự án cấp thiết đầu tư

Theo tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam là vô cùng cần thiết. Quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được khoảng 35.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm.

Tuy nhiên, theo tính toán nếu không đầu tư cao tốc Bắc - Nam, đến năm 2020, nhu cầu vận tải trên các tuyến Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt trên 42.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm. Vượt quá năng lực của quốc lộ 1.

Đến năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm.

Ngoài ra, việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam phải được thực hiện trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Khó khăn huy động vốn

Trong tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra nhiều khó khăn trong đầu thầu dự án.

Chính phủ cho rằng trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tu PPP, các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020.

Ngoài ra, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...

Nhiều đoạn tuyến nằm trên cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác. Ảnh: Lê Hiếu.

Để triển khai thành công các dự án PPP không thể quyết định bởi phía cơ quan Nhà nước, mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường như mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự đồng thuận của người dân…

Chính phủ dẫn chứng trước đây, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nhưng không thành công.

Vì vậy, Chính phủ kiến nghị trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020.

Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng phần vốn còn lại để đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.

Theo Zing

Các tin cũ hơn