Ngày 30/10, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Về kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 được giữ ổn định như Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo báo cáo của Chính phủ, tuy đã được tích cực sắp xếp, kiện toàn qua các nhiệm kỳ nhưng đến nay tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian.
Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước, tuy đã cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.
Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng thứ trưởng tính đến hết năm 2016 dù có giảm nhưng vẫn vượt hạn định là một bộ có không quá 4 thứ trưởng (mức trung bình là 4,82 thứ trưởng/bộ). Số lượng phó tổng cục trưởng, phó giám đốc sở cũng tương tự…
Báo cáo của Chính phủ xác nhận việc trong một số thời điểm tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan trong việc sắp xếp tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2016, còn một số tổ chức có số lượng cấp phó vượt so với quy định, như: Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế 5, một số vụ, đơn vị khác 4).
Số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, phó phòng cấp huyện ở một số địa phương vượt quá quy định của Chính phủ, như Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu...
Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5... Ngoài ra, tỷ lệ này cũng cao ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tại một số địa phương, như Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...
Báo cáo của Chính phủ cho hay hiện có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao (như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh…). Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ, ngành, 46 địa phương sử dụng.
Gần 1,3 triệu cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo đó, riêng quỹ lương và phụ cấp dành để chi cho nhóm đối tượng này hơn 32.000 tỷ đồng mỗi năm.
Số lượng biên chế công chức được khẳng định là giảm 3.000 người trong giai đoạn từ 2011 đến hết 2016 nhưng biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp lại tăng thêm hơn 120.000 người. Cụ thể, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011 là 121.736 người). Trong đó, ở Trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người.
Báo cáo do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký cho hay việc tăng biên chế do nguyên nhân khách quan như thực hiện các nhiệm vụ quản lý về giao thông, xây dựng, lao động, giáo dục, bảo hiểm...; các tổ chức mới lập như: Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ...; chi tách thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã...
Theo Zing