Ông Lê Đức Khang kéo con thuyền bị chìm trong bão vào bờ |
Hàng chục tỉ đồng chìm xuống biển
Suốt hai ngày qua (4 - 5.11), ông Trần Văn Thiên (63 tuổi), nhà ở tổ 8, TT.Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) như người mất hồn sau thiệt hại cực lớn do cơn bão số 12 gây ra. Từ 8 tuổi, ông Thiên đã gắn liền với biển khi theo cha đi đánh bắt cá. Đến năm 2000, sau khi tích lũy được chút vốn liếng, ông Thiên bắt đầu nuôi tôm hùm ở biển. Trước cơn bão, ông Thiên được coi là người có "số má" trong vùng về nghề nuôi tôm hùm, nhưng chỉ sau một đêm, ông trở thành người trắng tay.
"Mất sạch hết rồi chú ơi! 185 ô với 11.000 con tôm hùm sắp tới mùa thu hoạch, giá trị tới 11 tỉ đồng trôi xuống biển hết. Tui nuôi tôm từ năm 2000 đến giờ cũng có nhiều năm lỗ khi rớt giá, tôm không được mùa nhưng chưa lần nào mất trắng như lần này", ông Thiên than thở.
Ông Thiên kể tiếp, đêm trước khi bão vào, gia đình ông nhận định bão sẽ không mạnh như dự kiến do vịnh Vân Phong rất kín gió. Dù vậy, trong đêm dù đã được chính quyền vận động không được ra biển vì có thể nguy hiểm, nhưng 11 người trong gia đình ông Thiên vẫn quyết tâm bám trụ ở bè. 1 giờ sáng 4.11, gió bắt đầu quất mạnh nhưng không ai lùi chí.
Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng, sau 4 giờ chống chọi với bão quật ầm ầm, bè và chuồng nuôi tôm bị vỡ, ông Thiên mới ra lệnh cho mọi người nhảy xuống biển ôm thùng phuy bơi vào bờ. Bản thân ông ngửa mặt lên trời khóc hết nước mắt khi trực tiếp chứng kiến cảnh cả gia sản chắt chiu hàng chục năm ròng chìm sâu giữa biển cả trong giây lát.
Ông Trần Văn Thiên ngóng ra biển, nhớ về thời khắc kinh hoàng của trận bão |
Bà Nguyễn Thị Tươi khóc khi kể về sự cố nhà cửa tan hoang sau bão |
Ông Thiên nói tiếp: "Thế nhưng đứa con trai út không chịu nhảy mà vẫn cố bám trụ vào bè. Nó bảo ba cứ bơi vào đi, con ở lại, tôm chết thì con chết theo luôn. Tôi nói bão thế này giờ mất hết rồi con ơi, và mọi người phải cưỡng chế nó mới chịu nhảy khỏi bè để bơi vào bờ".
Tình cảnh trắng tay sau bão như ông Thiên cũng là hoàn cảnh chung của nhiều bà con ngư dân ở TT.Vạn Giã. Thống kê sơ bộ chỉ một đoạn ngắn ven biển trên đường Trần Hưng Đạo đã có gần 500 bè nuôi cá, tôm của người dân bị đánh chìm. Người thiệt hại nặng như ông Thiên mất tới hơn chục tỉ đồng, người nhẹ nhất cũng thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Vừa kéo chiếc thuyền bị chìm vào bờ, ông Lê Đức Khang cho hay cơn bão đã lấy đi của gia đình ông 4.000 - 5.000 cá bớp, cá chim cu sắp thu hoạch với thiệt hại hơn 1,1 tỉ đồng. Chưa kể, hiện gia đình ông có hai người thân mất tích.
Người dân vớt lồng bè, dụng cụ nuôi cá tôm bị bão đánh trôi |
Hết vốn, mất nhà, bỏ biển đi làm thuê
Người nuôi cá, tôm giống bị thiệt hại nặng nề Không chỉ ngư dân nuôi bè tôm, cá bị thiệt hại mà những người nuôi tôm giống, cá giống cũng gần như mất trắng. Anh Lê Văn Phi, nhà ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay hàng chục trại nuôi tôm giống đều bị tốc mái, tôm bị chết hết. Nhà thiệt hại ít nhất là 200 - 300 triệu đồng, còn thiệt hại nặng nhất lên tới hàng tỉ đồng. “Chưa bao giờ tôi thấy cơn bão nào lớn như vậy. Ngồi trong nhà mà gió thổi căn nhà rung bần bật. Bây giờ nghĩ lại ai cũng thấy kinh hoàng”, anh Phi nói.
|
Sáng 5.11, chúng tôi có mặt tại xóm người Huế ở thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), chứng kiến khung cảnh đổ nát, tan hoang sau bão. Do thôn này nằm sát biển nên phần lớn nhà cửa, tàu thuyền neo đậu gần đó đều bị bão gây thiệt hại nặng nề.
Một số tàu thuyền bị sóng nhồi, đánh tung nằm chỏng chơ trên bờ. Ông Ngô Kiệt, trưởng thôn Đông Nam, cho hay ước tính sơ bộ thôn có hàng chục ngôi nhà bị sập tường, tốc mái. 44 tàu thuyền - phương tiện đi biển mưu sinh của người dân trong thôn - bị đánh chìm.
Nặng nhất là gia đình bà Đoàn Thị Hiền (37 tuổi), bờ kè bị đánh sập khiến nhà bà có nguy cơ sụt lún xuống biển, thiệt hại 500 triệu đồng; và bè nuôi cá bớp, tôm hùm ở Vũng Rô (Phú Yên) với vốn đầu tư 2 - 3 tỉ đồng cũng bị bão đánh chìm. Nhà cửa tan hoang sau bão, vợ chồng bà Hiền đành phải gửi con nhỏ cho người thân để ra Vũng Rô mong cứu vớt các bè cá đã bị bão đánh đắm. Ở trước nhà bà Hiền, bà Nguyễn Thị Tươi (56 tuổi) vừa khóc vừa kể, trong khi vợ chồng bà đi chăm người con ở trên bệnh viện huyện, cơn bão hung hãn đã phá tan hoang ngôi nhà nhỏ của gia đình. Hai ngày nay, vợ chồng bà sống trong cảnh màn trời chiếu đất, phải nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của hàng xóm láng giềng.
Cơn bão đi qua, gây nhiều thiệt hại cho bà con ngư dân ven biển. Tuy nhiên điều họ đang lo lắng là phần lớn gia sản, vốn liếng chìm trong biển đều từ nguồn vay mượn ngân hàng, nợ tiền thức ăn thủy sản chưa trả. Ông Nguyễn Thành Quý (TT.Vạn Giã) cho hay hầu hết người nuôi thủy sản đều phải thế chấp giấy tờ nhà để vay vốn ngân hàng, có tiền đầu tư nuôi tôm, cá. Bản thân ông Quý cũng cầm sổ đỏ vay 400 triệu đồng và cơn bão đã khiến ông mất trắng hơn 1 tỉ đồng.
Chỉ vào ngôi nhà nhỏ của mình, ông Quý nói: "Năm nay được mùa cá. Tưởng sắp tới bán cá lấy tiền trả nợ, lo cho tụi nhỏ học hành đàng hoàng, ai dè... Giờ ngân hàng muốn tính sao với ngôi nhà thì tính. Nay mai chắc tui cũng bỏ xứ vào Sài Gòn làm thuê chứ giờ hết sạch vốn liếng rồi". Cùng hoàn cảnh, bà Đoàn Thanh Trang và chị gái phải gánh món nợ gần 700 triệu đồng, tâm sự chỉ còn cách bỏ biển, đi làm thuê gom góp lấy tiền trả nợ.
Chiều muộn, chị Trần Thị Lờ (con gái ông Trần Văn Thiên) cùng cha ra ngồi ở bãi biển trước nhà. Chị Lờ bảo, cha chị vẫn còn bị ám ảnh dữ dội bởi cơn bão nhưng muốn con gái đưa ra biển để xem còn vớt vát được chút gì tài sản bị cuốn trôi.
"Năm nay được mùa tôm. Nếu không có cơn bão thì phần lớn người nuôi tôm ở Khánh Hòa sẽ thành đại gia. Không ngờ ông trời lấy đi hết. Bây giờ của cải mất sạch hết. Dù buồn cũng phải quyết tâm làm lại chứ anh. Mình ở biển thì phải sống và đối chọi với biển", chị Lờ đáp khi tôi hỏi liệu có bỏ biển, chuyển nghề hay không.
Theo Thanh Niên