|
Ông Hữu (bìa phải) cùng gia đình anh Tiến được cứu sáng 5.11 |
Nghe kêu cứu là đi
Anh Phạm Thế Hiển, Phó công an xã Bình Mỹ kể, hơn 7 giờ sáng ngày 5.11, điện thoại của lãnh đạo xã Bình Mỹ đổ chuông liên tục do người dân mắc kẹt trong lũ dữ gọi đến cầu cứu. Anh Hiển chạy xuống nhà ông Nguyễn Hữu (65 tuổi, ở thôn Thạch An) gọi: "Chú Hữu ơi, đi cứu người!". Chưa kịp nói với vợ, ông Hữu lên xe máy của anh Hiển đi tìm mượn một cái thuyền thúng nhỏ rồi bơi thẳng ra xóm Trung An, thôn Phước Tích, nằm cạnh sông Trà Bồng nước đang nhấn chìm tất cả trong dòng lũ xiết.
|
Ông Hữu (bìa phải), anh Hiển cùng chiếc thuyền thúng cứu 26 người |
Bơi ngược dòng lũ, ông Hữu và anh Hiển thấy giữa nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Mỹ có 5 người và 2 con bò đang ngoi ngóp. Đây là gia đình anh Đào Văn Tiến (40 tuổi, ở xóm Trung An), gồm 5 người, trong đó có 2 phụ nữ và 2 cháu bé 4 tuổi và 7 tuổi. Tất cả đều ướt run cầm cập.
Ông Hữu cho áp sát thúng chai vào đưa 2 em bé và anh Tiến lên, còn anh Hiển thì ở lại bảo vệ 2 phụ nữ. Lúc này, ông Hữu buộc phải chèo ngược dòng lũ khoảng 1km về vùng ít nước và gò khô để 3 cha con anh Tiến ở lại, mới xoay thúng chai quay ra cứu 2 phụ nữ. Không nỡ để 2 con bò của gia đình anh Tiến hơn 40 triệu đồng bị lũ trôi đi, anh Hiển vừa bơi vừa mang dây thừng dắt chúng vào bờ.
Đến nhà anh Tiến, chúng tôi còn thấy rác và bùn còn "treo" trên mái nhà. Anh Tiến cho biết, khoảng 5 giờ ngày 5.11 thì nước vào nhà anh chừng 1m. Ai ngờ hơn một giờ sau, nước dâng ngập nửa nhà, anh vội đưa vợ, 2 con và một người bà con ở nhà sang nghĩa trang liệt xã Bình Mỹ trú. Không được bao lâu thì bị nước lũ vây bọc, dâng ngập luôn cả lư nhang nghĩa trang, cả nhà đang cầm tay nhau khóc ròng. "Lúc này tôi đã nghĩ không ai cứu chắc cả nhà chết trôi. Đang hốt hoảng thì chú Hữu với anh Hiển bơi thúng đến. Gia đình tôi mừng như được sinh ra lần thứ hai", anh Tiến nói.
|
Nhiều đường giao thông nông thôn còn lầy lội bùn non |
Cứu xong gia đình anh Tiến, ông Hữu chèo thúng tiếp tục chạy tới chạy lui trên dòng lũ, cứu người chỗ này thì chỗ nọ gọi. Cứ thế, ông cứ đi và cứu, đôi tay chèo liên tục, có nơi đưa người đi vào trăm mét, nhưng có đoạn phải hàng km. Ở xóm Đông Thạnh, thôn Phước Tích, nhà ông Trần Thanh có 8 người, trong đó có một người già 90 tuổi và em bé mới sinh gần 2 tháng tuổi. Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 5.11, khi ông Hữu và anh Hiển bơi thúng đến thì ông Thanh đang lật ngói chui ra. Phải đi 3 chuyến, ông Hữu mới đưa hết cả nhà này về nơi an toàn.
Còn gia đình anh Lê Văn Hùng cũng ở xóm Đông Thạnh, có 4 người đã khản cổ kêu cứu hộ. Lúc này, anh Chung Quang Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ đi cùng ông Hữu đến cứu. "Sợ đi hai chuyến thì quay về cứu không kịp, biết là hơi liều nhưng cũng phải ép luôn 4 người lên thúng đi một chuyến. Anh Hải phải nhường chỗ cho gia đình 4 người, mặc áo phao vào nhảy xuống nước bơi theo thúng", ông Hữu kể.
Cứu người xong quay về thấy nhà ngập nửa vách, của cải trôi sạch
Ngày hôm đó, khi cứu người ở thôn Phước Tích xong, ông Hữu lại quay về thôn Thạch An tiếp tục chèo thúng đi cứu người. Cả ngày bơi dầm trong nước, dù người có khỏe đến đâu cũng mệt rã rời. Hai bắp tay, bắp chân ông Hữu tê cứng, còn ê ẩm đến giờ. "Đúng là xong việc mới thấy mình liều mạng. Có điều, lúc đó chỉ chăm chăm cứu bà con thôi", ông Hữu cười hiền. Đến 18 giờ hôm ấy ông Hữu về đến nhà thì thấy ngôi nhà bị nước ngập ngang nửa vách. Tất cả bắp, lúa và vật dụng gia đình đều ướt, trôi theo con nước.
Anh Lê Văn Quả và con thuyền đi cứu người trong lũ |
Vợ ông Hữu, bà Lăng Thị Tuất (60 tuổi) cho biết, khi ông Hữu đi, nước lũ tuôn về. Một mình chẳng biết làm gì, bà tủi thân khóc. Nước lớn quá, bà vội leo lên tủ thờ tránh. Sau đó, có mấy anh em ở UBND xã đi ngang nghe bà khóc mới vào đưa đi. Khi nước rút, vợ chồng gặp nhau, bà Tuất trách ông Hữu bỏ mặc vợ, nhưng do ông làm việc nghĩa cứu người nên bà đành cười, thương chồng hơn.
Ông Trần Quang Hà, Phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho biết, ông Hữu là nông dân, không nằm trong đội cứu hộ của xã, nhưng đã trực tiếp cứu 26 người thoát nạn trong lũ. Đây là việc làm dũng cảm, không phải ai cũng làm được. "Chúng tôi đang đề nghị cấp trên khen thưởng cho ông Hữu", ông Hà cho biết.
|
Lũ rút, nhiều vùng huyện Bình Sơn hiện lên hoang tàn |
Còn tại xã Bình Minh, theo ông Võ Đức Diên, Chủ tịch UBND xã, trong đợt lũ lụt vừa qua, có hai người ở thôn Tân Phước cứu nhiều người thoát cơn lũ dữ: Đó là anh Lê Văn Quả (38 tuổi) và vợ đã dùng thuyền của gia đình cứu 15 người; ông Lê Ngọ (63 tuổi) cứu 8 người.
Cũng theo ông Diên, anh Quả và ông Ngọ vốn có nghề đánh cá, vì lòng tốt nên đã cứu giúp bà con trong hoạn nạn. Hầu hết những người bị kẹt trong lũ là do chủ quan, nghĩ lũ không lớn nên ở nhà giữ gia súc, gia cầm và tài sản. Ai ngờ khi lũ lên nhanh thì không thể thoát khỏi vùng nguy hiểm. Khi hỏi chuyện, anh Quả nói đó là chuyện phải làm thôi, nếu không cứu kịp thì bà con mình gặp nguy hiểm. "UBND xã lên danh sách đề nghị UBND H.Bình Sơn khen thưởng hai cá nhân này", ông Diên cho biết.
Theo Thanh Niên