Chia sẻ với Zing.vn, anh P.N.C. (sinh năm 1991, ngụ tại đường Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc về việc con trai anh bị bác sĩ tát khi đang chữa bệnh tại phòng khám.
Cụ thể, con trai anh là cháu P.N.B (22 tháng tuổi) có các biểu hiện viêm mũi dị ứng. Sau khi nghe mọi người giới thiệu, anh C. đưa con tới Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại số nhà 20, ngõ 24 Phan Văn Trường.
Anh P.N.C. chia sẻ về sự việc về vết tát của bác sĩ trên má con. Ảnh: HQ. |
Tại đây, cháu B. được bác sĩ phụ trách phòng khám Lê Thanh Hải trực tiếp khám và điều trị.
“Ngày 10/12, sự việc xảy ra khi bác sĩ bơm thuốc vào mũi. Thuốc rất đắng và cháu thường phải nằm lên ghế chuyên dụng, có ít nhất 3 người giữ. Con tôi có bị sặc và bắn nước vào bác sĩ Hải. Sau đó, con bị bác sĩ tát một phát thẳng tay vào má bên phải (phía cùng tay với bác sĩ Hải)", anh C. kể lại sự việc.
Khi anh C. bức xúc, bác sĩ Hải giải thích lý do là để cháu bé không tiếp tục những hành động như thế. Thấy gia đình phản ứng, ông nói: “Thôi được rồi, bác lỡ tay, bác xin lỗi”.
Về nhà, nhận thấy trên má con có vết lằn đỏ sau khi bị bác sĩ tát. Anh C. đã quyết định chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.
Anh cho biết con trai đã chữa bệnh tại phòng khám của bác sĩ Hải 30 ngày. Tuy nhiên, bệnh không hề thuyên giảm. Ngoại trừ lần đầu tiên phải thanh toán 500.000 đồng, đều đặn mỗi buổi tối đến điều trị, anh phải trả số tiền 300.000 đồng. Mỗi lần điều trị kéo dài khoảng một tiếng. Đặc biệt, khi điều trị tại đây, con anh không có sổ khám bệnh hoặc bất cứ giấy tờ kèm theo.
“Tôi nghĩ rằng ai đến khám phải cân nhắc về tài chính. Khi đến khám, tôi không hề được tư vấn và giải thích về liệu trình chữa bệnh. Do đó, ngay từ ngày bắt đầu, tôi phải cho con theo khám đều đặn tại đây. Vào ngày thứ 15 tôi định cho con dừng lại vì không đỡ nhưng khi dừng, con lại có dấu hiệu nặng hơn nên tôi tiếp tục tới bây giờ", anh C. nói.
Phòng khám nơi cháu B. bị tát. Ảnh: HQ. |
Về sự việc trên, anh C. cho biết mình đã tha lỗi cho bác sĩ tát con nhưng sẽ không tiếp tục khám và điều trị tại đây.
Anh cảnh báo các gia đình cần cẩn trọng khi đưa con tới khám tại các phòng khám tư. “Gia đình tôi không nuông chiều con quá mức hay nuôi con kiểu lồng kính nhưng việc một bác sĩ tát vô cớ một đứa trẻ còn chưa biết nói là khó chấp nhận. Chuyên môn có thể cao nhưng đạo đức mới quan trọng”, anh C. nói thêm.
Ông Đặng Ngọc Cường, tổ trưởng tổ dân phố số 8 (nơi đặt phòng khám và nhà anh C.), cho biết đã nắm được sự việc. Ông sẽ đến nói chuyện với bác sĩ Hải.
“Phòng khám Tai Mũi Họng này đã mở được hai năm nay, có khá đông bệnh nhân, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh xa đến điều trị. Tôi cũng không rõ phòng khám có giấy phép hay chưa, nhưng trên bảng hiệu của phòng khám không ghi”, ông Cường cho hay.
Tối 11/12, chia sẻ về sự việc, bác sĩ Lê Thanh Hải, chủ Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, cho biết:"Tối 10/12 khi rửa mũi và điều trị cho bệnh nhân B. Cháu phun vào mặt nên tôi có bộc phát tát vào mặt cháu. Sau đó, tôi đã xin lỗi gia đình".
Theo ông Hải, khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đeo khẩu trang y tế nhưng khi đến lượt B. do còn lại mình cháu nên bác sĩ đã bỏ khẩu trang. "Dịch của cháu đã bắn vào mặt tôi. Hôm nay tôi đã bị ốm", ông Hải giải thích.
Theo Zing