|
Dù tỷ lệ đúng giờ theo báo cáo của Cục Hàng không tăng, nhưng hành khách vẫn phàn nàn nhiều về chậm chuyến |
Tại tọa đàm về chậm hủy chuyến chiều tối 27.12, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, với những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến chậm chuyến, khách hàng hoàn toàn chia sẻ, nhưng hãng hàng không phải thông tin kịp thời về sự chậm trễ này. Như vừa qua do ảnh hưởng cơn bão số 16, Cục Hàng không phải cấm bay trong 24 giờ, rất nhiều chuyến bị hủy và chậm dây chuyền.
Ông Thọ cũng dẫn chứng, vừa rồi đi Hàn Quốc, do sương mù toàn bộ các hãng đều chậm 9 - 10 giờ, chuyến bay của ông cũng bị chậm 4 -5 tiếng, làm lỡ chuyến bay nối chuyến đi TP.HCM theo kế hoạch, nhưng vì nguyên nhân khách quan nên phải chia sẻ.
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng chậm hủy chuyến còn do nguyên nhân chủ quan như tổ chức, điều hành bay, cũng như những lỗi kỹ thuật không đáng có. Ông Thọ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị bằng mọi giải pháp, phải hạn chế tối đa chậm, huỷ chuyến, nhất là trong dịp lễ, tết.
Theo thống kê của Cục hàng không, nguyên nhân chậm, huỷ chuyến do tàu bay về muộn khoảng 67 - 68%. Thông thường, nếu chuyến bay đầu ngày bị chậm vì lý do nào đó sẽ kéo theo chậm của 3 - 4 chuyến sau đó.
Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi vì sao tỷ lệ chậm huỷ chuyến của Cục Hàng không đưa ra rất khả quan, nhưng phản ứng của người dân vẫn rất nhiều? Theo ông ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, các con số thống kê đúng so với hiện trạng khai thác của hàng không Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ chuyến bay bị chậm huỷ trên 4 tiếng rất ít, chỉ khoảng 4%, thường chỉ chậm dưới 1 tiếng.
Những chuyến bay từ nước ngoài về trong kế hoạch có nhưng không may chậm ở điểm xuất phát, sẽ dẫn đến dây chuyền này, trong khi phương tiện thay thế không dễ có.
Theo Thanh Niên