Tôi làm "người nhện": Độc nhất giới đu dây

Thứ tư, 03/01/2018, 15:41
"Người nhện bay" là biệt danh giới đu dây lau kính đặt cho chàng trai 32 tuổi Trương Nguyễn Duy Thiên (ở đường Hà Huy Giáp, Q.12, TP.HCM).

Người nhện bay Trương Nguyễn Duy Thiên

Đơn thương độc mã

Có hai cách để người làm nghề này lựa chọn: hoặc làm công nhân cho các công ty vệ sinh dịch vụ, hoặc làm theo các đội, nhóm. Nhưng Thiên là trường hợp độc nhất trong giới đu dây bởi anh tự nhận các công trình và làm một mình.

Không chỉ một mình lau kính tòa nhà Léman Luxury Apartments (Q.3, TP.HCM) với 24 tầng cao và 1 tầng thượng, chàng trai này còn tự mình đu dây lau kính cao ốc Saigon Trade Center (33 tầng, số 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM) và vô số tòa nhà khác ở TP.HCM, Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Mỗi sáng thức dậy, anh khuân đồ nghề lên xe và di chuyển đến nơi làm việc. Rồi một mình anh làm mọi công việc: nghiên cứu điểm neo để cột dây, thả dây, móc thiết bị, leo ra ngoài, tuột từ tầng cao nhất xuống để lau chùi cửa kính…

“Cũng quen rồi, đã hơn 10 năm tôi chỉ làm một mình. Trong giới đu dây lau kính ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung, chắc có lẽ chỉ mình tôi là khác người”, Thiên tâm sự.

“Nhiều người hỏi tôi làm một mình có buồn không, tại sao không đi làm ở ngoài, xin vào các công ty để làm… nhưng tôi nghĩ làm một mình cũng có thú vị của nó”, Thiên kể.

Thiên chuẩn bị hệ thống neo dây trước khi thả mình xuống lau kính

“Thú vị” mà Thiên nói, đó chính là tự giúp bản thân anh cẩn thận và tỉ mỉ hơn. Thiên kể “làm cái nghề này “sai một ly là đi một dặm”. “Tự hiểu khi làm một mình nếu lỡ làm rớt dụng cụ hành nghề như: cái khăn, cái cần gạt kính… hay dây có sự cố gì thì không ai hỗ trợ mình, vì thế tôi tự rèn cho mình bản tính cẩn thận hơn”, Thiên chia sẻ thêm.

Cũng chính vì “đơn thương độc mã” như vậy, nên chàng trai này rất chịu khó đầu tư cho mình những thiết bị, dụng cụ bảo hộ an toàn lao động xịn nhất, từ các thiết bị leo ngược, chuyển đổi dây, thiết bị bảo hộ thi công an toàn… cho đến thiết bị hãm rơi, thiết bị trượt trên dây thừng, ròng rọc… Những thiết bị này hoàn toàn xa lạ với các công nhân ở những nhóm đu dây lau kính tự phát, cũng như ít được các công ty dịch vụ vệ sinh công nghiệp đầu tư mua sắm.

“Tôi hiểu làm nghề này nguy hiểm, nên tôi phải chi khoảng 40 triệu để mua những công cụ xịn ấy để bảo vệ bản thân. Những sợi dây là yếu tố quyết định tính mạng, nên mỗi khi thấy dây bị tưa, có vấn đề là tôi lập tức mua dây mới từ nước ngoài”, Thiên cho biết.

Sầu lẻ bóng

Thiên “độc nhất trong giới đu dây” còn bởi thời gian làm việc của anh cũng lạ vô cùng. Với các công nhân khác, thường làm ở khoảng thời gian 8 - 11 giờ sáng, 2 - 5 giờ chiều, còn Thiên luôn tranh thủ mọi thời gian để làm việc.

Thiên lý giải: “Vì chỉ một mình làm nên tôi tranh thủ làm luôn buổi trưa. Chỉ khi nào mệt quá thì tranh thủ ngả lưng xíu”.

“Ủa vậy rồi thời gian đâu cho vợ con hả anh?”, tôi hỏi. Thiên cười hiền: “32 năm không mảnh tình vắt vai đó, tin không?”.

Thiên kể làm cái nghề đu dây lau kính này nguy hiểm quá, nên anh chẳng dám ngỏ lời yêu cô gái nào cả. “Sợ một ngày họ biết mình làm nghề nguy hiểm như vậy, họ sẽ bỏ mình. Giả dụ giờ mà có người yêu, nhưng mình đi làm hoài, thời gian đâu mà lo cho họ, dẫn họ đi chơi, rủ họ đi coi phim như các cặp tình nhân khác. Sẽ tội cho họ lắm”, Thiên trải lòng.

“Chẳng lẽ anh chưa nghĩ đến “ngôi nhà và những đứa trẻ” ư?”, tôi dò hỏi. Thiên lại cười: “Từ từ rồi tính, có sao đâu. Giờ tôi chỉ chú tâm vào công việc và sự nghiệp”.

Thế nên cả chục năm qua, sau mỗi ngày làm việc là anh tức tốc trở về nhà cùng gia đình. Sau khi quây quần bên bữa ăn, Thiên lại lên mạng để xem những đoạn phim công nhân nước ngoài làm nghề này, hay tìm kiếm tài liệu, đọc sách về nghề để bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, học hỏi thêm cái mới của nước ngoài.

“Làm nghề đu dây lau kính sức khỏe tốt là điều quan trọng nhất. Nên tôi chẳng bao giờ dám nhậu nhẹt với bạn bè hay la cà phố xá đến khuya cả. Tôi phải giữ mình khỏe mạnh, tỉnh táo để được theo nghề thật lâu”, Thiên kể.

Để thành phố đẹp hơn

Nhìn lại suốt chặng đường theo nghề, Thiên cười nói: “Cũng không ngờ tôi đã làm nghề được 10 năm rồi đấy”.

Anh nhớ lại cái ngày quyết định học nghề “đu dây lau kính”, Thiên đã gặp sự phản đối, cấm cản của gia đình. Bố mẹ, chị, em trong nhà (Thiên là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em) ra sức khuyên ngăn Thiên, nhưng anh đã nói về đam mê được chinh phục độ cao của mình, đồng thời lập luận: “Nguy hiểm hay không là do mỗi người. Nếu làm cẩn thận, cố gắng tập trung hết sức trong công việc thì sẽ không sao cả”… Và rồi bố mẹ cũng nguôi ngoai, đồng ý.

Thiên đu dây lau kính một tòa nhà

“Giờ thì bố mẹ có niềm tin vào sự lựa chọn của tôi nhiều hơn. Bố mẹ vui và ủng hộ rất nhiều khi thấy tôi làm việc được. Bố mẹ luôn động viên tôi phải cố gắng tập trung cho công việc, để đảm bảo an toàn cho chính mình”, Thiên cười vui kể lại.

Ông Trương Văn Tình (63 tuổi, bố của Thiên) nói: “Ban đầu cũng cấm cản lắm. Nhưng thấy nó mê nghề, chí thú làm ăn, nên cũng vui. Cầu mong nó bình an khi làm nghề này”.

10 năm theo nghề, Thiên nhiều lần được nghe về những tai nạn thương tâm trong nghề này, từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bỏ cuộc vì mức lương thấp (mỗi ngày được 300.000 - 400.000 đồng - mức lương cách đây 5 năm) hay xuống đổi nghề vì gặp quá nhiều áp lực, khó khăn… Thiên cũng hiểu làm nghề này “trời mưa là đói”, chưa kể có giai đoạn công việc không ổn định, rất bấp bênh… thế nhưng anh khẳng định: “Chưa một lần muốn buông xuôi, bỏ việc”.

“Có lẽ tôi “nặng tình” với đu dây lau kính, nên chẳng muốn bỏ nghề. Có người khuyên “thôi, làm cái nghề chi khổ và nguy hiểm quá vậy, đừng đánh cược mạng sống với đu dây lau kính nữa, chuyển qua làm phụ hồ, chạy xe ôm đi cho đỡ cực”. Nhưng với tôi, đu dây lau kính không chỉ là nghề, mà còn là thú vui, là đam mê nên không bỏ. Vả lại, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm nghề này. Ngày ngày đu dây để “rửa mặt” cho các tòa nhà, góp phần giúp cho thành phố đẹp và sạch hơn. Không có những người làm nghề như tôi thì làm sao có thể bảo trì, lau kính cho các tòa nhà, cao ốc? Tôi nghĩ mọi người khi hiểu về những cực nhọc của thợ đu dây lau kính, sẽ quý và trân trọng họ hơn”.
6 giờ chiều, Thiên lọ mọ dọn dẹp dây, đồ nghề sau một ngày lủi thủi làm việc. Rồi anh xách chạy xe về nhà. Thấy cảnh đó, tôi tự hỏi, rồi đến bao giờ chàng trai này mới hết “sầu lẻ bóng” cả trong công việc lẫn tình yêu nhỉ? Chắc là còn lâu…
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích