7h ngày 3/1, tâm bão cách Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210km về phía Nam Đông Nam, sức gió mạnh nhất khoảng 75km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp.
Ngày và đêm nay bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km/h. Sáng mai, tâm bão còn cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 250km về phía Đông, giữ nguyên sức gió.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, trong bán kính 130km từ tâm bão sẽ có gió mạnh trên cấp 6. Cơn bão được đánh giá mức độ rủi ro thiên tai lớn (cấp 3).
"Bão sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ giảm còn khoảng 20 km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới", đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định.
Đến 19h ngày 4/1, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bà Rịa - Vũng Tàu với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật tăng hai cấp.
Hướng đi của bão Bolaven theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. |
Trong khi đó, triều cường các sông ở Nam Bộ đang lên cao và có thể đạt mức cao nhất vào ngày 3-4/1. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 1,96m; sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,02m.
Tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long có nơi trên báo động hai; trên sông Sài Gòn tại Phú An có khả năng lên trên báo động ba 0,1-0,2m (thời gian xuất hiện đỉnh triều hàng ngày 5-7h và 18-20h).
Cơ quan khí tượng Trung ương dự báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông và triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP.HCM, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Năm 2017 có tổng cộng 16 cơn bão đi vào biển Đông, đạt kỷ lục. Trong đó, bão Tembin (bão số 16) với sức gió mạnh cấp 10-11 xuất hiện và hướng vào Nam Bộ đúng vào những ngày cuối năm khiến chính quyền và người dân các tỉnh này rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi đi vào biển Đông, Tembin suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi lệch xuống phía Nam và tan trên biển.
Theo VNE