|
Ảnh minh hoạ |
Làn sóng biểu tình lớn chưa từng có ở Iran trong suốt 8 năm qua, bắt đầu từ 28/12, đang là một trong những vấn đề nóng bỏng trên thế giới, và đáng chú ý hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng bênh vực những người biểu tình, kêu gọi Iran “tôn trọng quyền của người dân”.
Thay vì nhận được sự tán dương, bình luận của ông Trump gây ra phản ứng tức giận ở Tehran. Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc ông chủ Nhà Trắng lợi dụng cơ hội để can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Trong khi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Mỹ không có quyền hành động “như thể bảo vệ quyền của người Iran” vì trước đó Washington từng gọi là những kẻ khủng bố.
RT trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, phát biểu của ông Rouhani có thể chính là cảm xúc chung của hầu hết người Iran.
Theo ông Ahmed Al-Burai, giảng viên Đại học Aydin ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), người dân Iran, kể cả những người phản đối trên đường phố, đều nhìn Mỹ và ông Trump bằng cái nhìn tiêu cực, và không tin rằng Washington sẽ thực sự bảo vệ lợi ích của họ.
Ông Al-Burai giải thích, người Iran không tin vào ông Trump vì quan điểm của chính quyền ông về thoả thuận quốc tế năm 2015 về chương trình hạt nhân của Iran. Theo đó, ông Trump nhiều lần gọi đó là một “thoả thuận kinh khủng”, thậm chí tố Iran không tuân thủ các điều khoản trong văn kiện.
Washington cũng “không đáng tin cậy” trong mắt người dân Iran do chính sách của Mỹ ở Trung Đông, gây ra chiến tranh và tàn phá ở Iraq, cũng như mất ổn định tình hình ở Syria. “Bất kỳ loại can thiệp vào của chính quyền Mỹ, ngay cả dưới hình thức bình luận trực tuyến, không được chào đón trong toàn bộ khu vực, đặc biệt là ở Iran, cả các chính trị gia và người dân trên các đường phố, bởi vì họ đã có kinh nghiệm cho những gì Mỹ gây ra ở Trung Đông”, Al-Burai nói với RT.
Nhà phân tích nói thêm, một yếu tố quan trọng khác cản trở sức ảnh hưởng của Trump ở Iran một cách đáng kể là mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ với Ả Rập Saudi và Israel, hai “kẻ thù” lớn của Iran trong khu vực
Có thể thấy rõ, Riyadh là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump vào tháng 5/2017, hai bên còn ký kết hợp đồng vũ khí trị giá 350 tỷ USD trong 10 năm, với khoảng 110 tỷ USD có hiệu lực ngay lập tức. Mới đây, chủ nhân Nhà Trắng ủng hộ Israel bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của quốc gia này, bất chấp sự phẫn nộ khắp thế giới Hồi giáo, thậm chí các đồng minh châu Âu của Washington.
Ông Al-Burai cho hay, người Iran hiểu rằng, Mỹ không quan tâm đến bất kỳ dự án phát triển dài hạn nào Iran, hay bảo vệ cho bất kỳ sự chống đối chính trị nào ở quốc gia này. Thay vào đó, chính quyền của Donald trump đang theo đuổi lợi ích riêng của họ, cũng như các đồng minh trong khu vực - Ả Rập Saudi và Israel. Điều này có nghĩa, bất cứ động thái nào của Mỹ sẽ gây hại cho nước Cộng hoà Hồi giáo.
Mỹ thực sự muốn gì?
Đồng tình với quan điểm của ông Al-Burai, Seyed Mostafa Khoshcheshm, một chuyên gia phân tích chính trị, nhận định trên RT, những gì Mỹ đang tìm kiếm là bất hợp pháp hoá chính sách của Iran, những cơ sở của Iran cũng như việc xây dựng quân đội trong khu vực, bao gồm sự hiện diện tại Syria và Iraq… để áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Theo ông Khoshcheshm, tất cả các tuyên bố mà Washington đưa ra để ủng hộ những người biểu tình, trên thực tế, nhằm mục đích “chính trị hoá bất ổn” ở Iran và “bất hợp phá hoá chính sách của Iran trên trường quốc tế vì lợi ích của Mỹ”.
“Cuối cùng, mục tiêu của Mỹ vẫn giữ nguyên: Họ muốn giành được sự nhượng bộ từ Tehran về các chương trình tên lửa và hạt nhân, hòng làm suy yếu sức mạnh của Iran, cũng như làm giảm tầm ảnh hưởng trong khu vực”, ông Khoshcheshm giải thích.
Ông Khoshcheshm chỉ ra, Mỹ hiểu bằng, họ không thể lật đổ chính phủ Iran với những cuộc biểu tình có quy mô nhỏ, không đáng kể so với các vụ bạo động nhấn chìm Iran sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Do đó, ông Trump, cũng như truyền thông phương Tây, đang cố gắng phóng đại và “chính trị hoá” vấn đề.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều chung quan điểm, ý định của Mỹ sẽ chẳng đi đến đâu, bởi Tổng thống Trump không hiểu được bản chất thực sự của các cuộc biểu tình.
Ông Al-Burai nhấn mạnh, các cuộc biểu tình hiện tại ở Iran mang ý nghĩa kinh tế, chứ không phải mang bản chất chính trị. Theo ông, những người thuộc tầng lớp trung lưu đổ xuống đường để yêu cầu cải cách kinh tế, đòi hỏi việc làm và mức sống tốt hơn, họ không quan tâm đến bất kỳ sự leo thang hay chính trị bất ổn mà ông Trump đang hy vọng ở Iran.
Theo Tiền Phong