|
“Cô đào” Trang Kim Sa (phải) đứng cùng người bạn Kiều Trinh trong một cuộc họp mặt cách đây nhiều năm |
Cuộc sống bây giờ của “cô đào” Trang Kim Sa chỉ nhờ vào xấp vé số ít ỏi bán mỗi ngày, sau khi giã từ sự nghiệp lô tô vì một cơn tai biến. Sống trong căn trọ nhỏ xíu nơi một con hẻm ở quận Thủ Đức TP.HCM, có lẽ với Kim Sa, những năm tháng làm “cậu ấm”, những đêm diễn thời “hoàng kim” cùng chị em, những cuộc tình của phận “pê-đê” chóng vánh,… chỉ còn là hồi ức xa xôi…
“Cậu ấm” Sang đeo hột xoàn đầy tay
Ngô Văn Sang (tên thật của “cô đào” chuyển giới Trang Kim Sa) sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn. Nhà có 4 anh em toàn con trai, trong đó cậu “Út Sang” được ba mẹ cưng chiều nhất vì thông minh và học giỏi.
Ngày xưa, ba mẹ Út Sang làm chủ vựa trái cây lớn ngay tại nhà ở khu vực Chợ Cầu Muối (Q.1). Vì có điều kiện nên cậu được lo cho học hành đến nơi đến chốn và không thiếu thứ gì. Mà theo lời kể của bà Hai – người bạn tri kỷ đang sống cùng “cô đào” Kim Sa – thì “hồi xưa ổng ở nhà mấy tầng, đeo dây chuyền với hột xoàn đầy tay chân, trong xóm đứa nào cũng mê”.
Năm Út Sang lên 14 tuổi, người mẹ cậu đột ngột bệnh và mất. Đó cũng là thời gian cậu bắt đầu nhận thức rõ hơn về “tính nữ” trong con người mình.
“Hồi đó chỉ biết mình toàn thích con trai trong nhóm bạn chơi chung, chứ có biết chuyển giới là gì. Nhưng mà làm sao dám nói, ba mẹ mà biết chắc đánh chết. Người ta cũng kỳ thị pê-đê ghê lắm”, Kim Sa kể về thời gian đầu bà hiểu về chính mình.
Vì vậy mà Út Sang giấu nhẹm chuyện ấy. Trong mắt gia đình, bạn bè, cậu vẫn là một “cậu ấm”, con nhà giàu, học giỏi. Mà cậu lại đẹp trai, khiến biết bao cô gái trong xóm thầm thương trộm nhớ.
Cậu được đưa đi học ở Trà Nóc (Bình Thủy, Cần Thơ). Trong khoảng thời gian này, có 2 “dấu mốc” đáng nhớ trong cuộc đời Út Sang: cậu gặp Tú - một người tình cho đến giờ vẫn “khắc cốt ghi tâm” và một lần cậu khóc cạn nước mắt vì hay tin ba mất. Ngày đó liên lạc khó, cũng chính bà Hai đã thường xuyên lặn lội xuống thăm và báo tin cho người bạn thân của mình.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn, "cậu ấm" giao tiếp thành thạo cả 2 thứ tiếng Pháp, Anh. “Tôi làm việc 12 tiếng được nghỉ 36 tiếng, lương cả cây vàng một tháng. Mà thời bom đạn mà, đâu nghĩ xa xôi, có nhiêu cứ xài cho hết”, Kim Sa cười nói.
“Năm 1975, tôi ở lại”, bà Sa kể về một quyết định quan trọng của cuộc đời.
Từng là “cậu ấm” thời niên thiếu, từng là cái tên “cháy” vé trên sân khấu lô tô tứ xứ, cuối đời, “cô đào” chuyển giới Trang Kim Sa (áo đen) phải sống cảnh bữa đói bữa no cùng người bạn già tri kỷ |
Một đời lang bạt
Út Sang trở về nhà. Ba năm sau thì cậu trở về Sài Gòn làm trong một xí nghiệp cao su. Xí nghiệp cao su giải thể, cậu bán nhà cho chị dâu và bắt đầu bước vào con đường ca hát.
“Lúc đó tôi có tham gia một vài chương trình ca nhạc của phường, tự dưng thấy mình thích dần cái nghề hát, vậy là theo thôi. Tính tôi vốn thích gì làm đó, trừ chuyện không được sống đúng với giới tính của mình vì định kiến xã hội khi ấy quá lớn”, bà Sa nói.