Những vụ tự sát nổi tiếng trên chính trường Trung Quốc

Thứ ba, 02/01/2018, 13:01
Ngày 28/11 vừa qua, Tân Hoa xã đưa tin Trương Dương, Thượng tướng, nguyên Ủy viên Quân ủy, Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy treo cổ tự sát tại nhà riêng ở Bắc Kinh hôm 23/11 trong thời gian bị điều tra vì “sợ tội, trốn tội”. Sau khi thông tin này được công khai, lập tức gây xôn xao dư luận trong và ngoài Trung Quốc.

Ông Trần Quang, ông Cao Cương, ông Đặng Thác (từ trái qua phải)

Tuy nhiên giở lại lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người ta thấy có khá nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao đã tự kết thúc cuộc đời do những lý do khác nhau…

Tự thiêu

Cán bộ cao cấp của Trung Quốc đầu tiên tự sát là Trần Quang. Trần Quang là trợ thủ đắc lực của Lâm Bưu (nguyên Phó Chủ tịch Đảng), từng giữ các chức vụ quan trọng: Quyền Quân đoàn trưởng Quân đoàn 1 Hồng quân, Quyền sư trưởng Sư đoàn 5 Bát Lộ quân, Phó Tham mưu trưởng Dã chiến quân số 4. Tên tuổi ông đã nổi danh qua các chiến dịch lớn quan trọng như vượt Ô Giang, công chiếm Liệp Tử Khẩu, đoạt cầu Lô Định, giành Trực La Trấn và Bình Hình Quan. Trong thời kỳ nội chiến Quốc Cộng lần 2, Trần Quang dẫn quân từ Đông Bắc đánh xuống tận Quảng Đông, rồi được giao làm Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Châu kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh bị Quảng Châu.

Tháng 7/1950 ông đột nhiên bị bắt, bị khai trừ đảng và cách hết mọi chức vụ vì bị cáo buộc “phản Đảng”; tháng 10 cùng năm bị giải về Vũ Hán quản thúc. Tại đây, các tướng Lương Tất Nghiệp, Lưu Hưng Nguyên nhiều lần đến khuyên ông “thừa nhận sai lầm”, nhưng ông đều cự tuyệt.

Tháng 6/1954, tinh thần bị giày vò căng thẳng cực độ, cảm thấy không có hy vọng giải quyết vấn đề mà ông cho là bản thân bị oan, Trần Quang đã lựa chọn cách tự thiêu. Nếu ông không xảy chuyện thì rất có thể đã được phong hàm Đại tướng vào năm 1955. Không ai ngờ viên dũng tướng thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm trận mạc ấy lại dùng phương thức quyết liệt ấy để chứng tỏ sự trong sạch của bản thân khi mới 49 tuổi.

Sau khi Trần Quang tự thiêu, báo chí khi đó viết: Trần Quang thiếu kinh nghiệm xây dựng và quản lý đô thị nên phạm phải một số sai lầm ở Quảng Châu; đồng thời còn vi phạm quy định, đưa một số con em liệt sỹ ở quê ông (Nghi Chương, Hồ Nam) tới Quảng Châu để mở lớp đào tạo, huấn luyện, nhưng cũng có ý kiến cho rằng vấn đề chính là do ông xảy ra mâu thuẫn với Tư lệnh Quân khu Diệp Kiếm Anh – “Vua Quảng Đông” thời đó. Mãi đến tháng 4/1988, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới ra quyết định bình phản, minh oan, phục hồi đảng tịch và danh dự cho Trần Quang.

Uống thuốc độc

Hai tháng sau khi Trần Quang tự thiêu ở Vũ Hán, đến lượt Cao Cương tự sát ở Bắc Kinh.

Cao Cương (tên thật Cao Sùng Đức), sinh 1905, quê Thiểm Tây là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của đảng và nhà nước Trung Quốc. Ông từng giữ các chức vụ Chính ủy Hồng quân Công Nông biên khu Thiểm Tây – Cam Túc, Chính ủy Quân đoàn 26, Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 15. Thời kỳ kháng Nhật ông là Tư lệnh Biên khu Thiểm Tây – Cam Túc – Ninh Hạ, Bí thư Cục Tây Bắc; thời kỳ nội chiến Quốc Cộng lần 2 là Bí thư Cục Đông Bắc, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Đông Bắc. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, ông là Phó chủ tịch chính phủ nhân dân trung ương, Chủ tịch chính phủ khu Đông Bắc, được coi là “Vua Đông Bắc”.

Ông lãnh đạo vùng Đông Bắc xây dựng và phát triển kinh tế đạt những thành tựu quan trọng, cung cấp hậu cần cho chiến trường Triều Tiên. Năm 1953 ông về Bắc Kinh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước – được xem là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau ông bị cáo buộc là thành viên “Tập đoàn phản đảng Cao Cương – Nhiêu Thấu Thạch”; từ một đại công thần biến thành “tội nhân của cách mạng”.

Tháng 2/1954, tại Hội nghị phê phán Cao – Nhiêu, ông Chu Ân Lai đăng đàn kể ra “10 đại tội của Cao Cương”, nhiều người khác cũng nối nhau phát biểu chỉ rõ: “vấn đề của Cao – Nhiêu thực chất là thoán đoạt quyền lực cao nhất của đảng và nhà nước”. Ngày 17/8/1954, sau khi thấy bản tự kiểm điểm mang tên “Phản tỉnh của tôi” giao nộp đã 2 tháng mà không có hồi âm, Cao Cương đã uống thuốc độc tự sát tại nhà riêng.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa 7 tháng 3/1955, Cao Cương bị khai trừ đảng tịch; ông bị kết tội là “kẻ âm mưu và hoạt động vô nguyên tắc để tăng cường quyền lực cá nhân”. Sau khi chết, ông phải mai táng tại nghĩa địa bình dân Vạn An; thời kỳ đầu “Cách mạng Văn hóa”, mộ của ông đã bị Hồng Vệ binh đập nát. Nhiêu Thấu Thạch thì bị giam giữ và chết vì bệnh trong tù vào năm 1975.

Chết để kêu oan

Đặng Thác, tên thật là Đặng Tử Kiện, bút danh Mã Nam Đồn, Tả Hải, sinh năm 1912, quê Phúc Kiến, một nhà văn, cán bộ tuyên truyền nổi tiếng. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, năm 1928 đã tự biên tập và xuất bản tập san “Dã thảo” có xu hướng tiến bộ. Năm 1929 ông vào học Đại học Quang Hoa, Thượng Hải; năm 1933 vào Đảng Cộng sản Trung Quốc; sau đó bị bắt tại Thượng Hải. Ông từng tham gia Ủy ban văn hóa và giữ chức trong Bộ Ngoại giao của “Chính phủ cách mạng nhân dân”. Thời kỳ kháng Nhật ông là Giám đốc “Nhật báo Tấn Sát Ký”, Giám đốc Phân xã Tân Hoa xã…Sau năm 1949 ông chủ trì công tác biên soạn và ấn hành “Tuyển tập Mao Trạch Đông”, Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo…

Ngày 10/6/1956 ông soạn thảo bài xã luận của Nhân dân Nhật báo “Phản đối chủ nghĩa bảo thủ, nhưng cũng phản đối tinh thần nôn nóng”, lần lượt được Lục Định Nhất, Hồ Kiều Mộc và Lưu Thiếu Kỳ thông qua, nhưng khi trình lên Mao Trạch Đông thì ông Mao phê 3 chữ “tôi không xem”. Sau đó, Đặng Thác với tư cách Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo vẫn chỉnh sửa lại cỡ chữ rồi cho đăng báo. Sau đó, Mao Trạch Đông nhiều lần chỉ trích Đặng Thác “thư sinh làm báo, người chết làm báo”. Cảm thấy bản thân lâm vào tình cảnh khó xử, Đặng Thác xin từ chức. Ngày 13/6 Đặng Thác bị cách chức Tổng biên tập, chỉ được bảo lưu chức Giám đốc Nhân dân Nhật báo trên danh nghĩa.

Năm 1961, Đặng Thác dùng bút danh Mã Nam Đồn giữ chuyên mục “Yên Sơn dạ thoại” (Trò chuyện ban đêm ở Yên Sơn) trên phụ san của tờ Bắc Kinh Nhật báo. Cùng năm ông cùng Ngô Hàm và Liêu Mạt Sa viết “Bút ký Thôn Ba nhà” đăng rải rác đến tận tháng 7/1964. Trong “Yên Sơn dạ thoại”, Đặng Thác phê bình gay gắt chính sách “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông. Một bài khác của ông trên chuyên mục này được coi là biện hộ cho Bành Đức Hoài đã bị đánh đổ…

Ngày 8/5/1966, tờ “Giải phóng quân báo” đăng xã luận “Nã đạn vào đường dây đen chống đảng, chống Chủ nghĩa xã hội”, phê phán đích danh Đặng Thác. Sau đó bào này liên tiếp đăng các bài phê phán Đặng Thác là “thủ lĩnh chống đảng chống Chủ nghĩa xã hội”.

Đêm 17/5/1966, Đặng Thác viết thư gửi lãnh đạo thành ủy Bắc Kinh Bành Chân và Lưu Nhân, ra sức thanh minh ông không phải là người “chống đảng, chống Chủ nghĩa xã hội, chống Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Ngày hôm sau, ông uống thuốc độc tự tử tại nhà riêng.

Sau khi ông chết, thành ủy cho người đến khám nhà tịch thu tất cả thư tín, tranh ảnh, tác phẩm; bà Đinh Nhất Lam vợ ông được yêu cầu giữ bí mật cái chết của ông, chỉ nói ông bị bệnh phải vào viện điều trị. Mãi 2 năm sau, khi nghe tin đồn về cái chết của ông, các con Đặng Thác gặng hỏi mới được bà mẹ xác nhận cha họ đã chết.

Ngày 6/9/1979, Đặng Thác được cải táng, làm lễ truy điệu và đưa vào an táng tại Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn. Ông Hồ Diệu Bang đọc điếu văn ca ngợi Đặng Thác là “đảng viên ưu tú, chiến sĩ cách mạng vô sản trung thành”. Đặng Thác khi đó mới được minh oan, phục hồi danh dự…

Theo PLVN

Các tin cũ hơn