Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM), đến nay cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã hoàn thành 99,1% khối lượng và cầu Vàm Cống (Đồng Tháp, Cần Thơ) đã hoàn thành 97,2% khối lượng và chắc chắn trong năm 2018 sẽ thông xe.
Về miền Tây nhanh hơn 2 giờ
Hai cây cầu này sẽ giúp người dân từ các tỉnh thành An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp không còn phải "lụy" phà Vàm Cống, Cao Lãnh về TP.HCM. Bắc qua sông Tiền, cầu Cao Lãnh rộng 26,5m cho 6 làn xe, lớn hơn so với cầu Mỹ Thuận chỉ có 4 làn xe.
Tương tự, bắc qua dòng sông Hậu, cầu Vàm Cống rộng 26,5m cho 6 làn xe lưu thông (cầu Cần Thơ chỉ có 4 làn xe).
Hai là từ TP.HCM đi quốc lộ 22 qua cầu vượt Củ Chi về tỉnh lộ 8 vào nhánh N2 đi Long An về cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống.
Cầu Vàm Cống |
Dân bàn chuyện làm ăn lớn
Những ngày cận kề năm mới, khắp những cánh đồng hoa, vườn cây ăn trái ở Đồng Tháp bỗng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bên vườn hoa cúc tươi xanh chuẩn bị bán tết, lão nông Ngô Trí Phải (72 tuổi, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) dự đoán năm nay hoa sẽ nở đúng dịp, trúng mùa.
Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của tết này là sắp được đưa hàng hóa sang sông mà không cần chờ phà, ông Phải bộc bạch: "Gia đình tui sống bằng nghề nông, hồi ấy mỗi dịp lễ hay Tết đến khổ trăm bề, xe tải từ đây lên miền Đông Nam Bộ mất cả ngày trời do kẹt phà. Tới đây có cầu đường thông suốt, nông dân như tui đây đỡ lắm!".
Hàng xóm của lão nông Ngô Trí Phải là bà Huỳnh Thị Mai (64 tuổi) có dự định lớn hơn. Bà có 3ha đất nằm cạnh chân cầu Cao Lãnh, trước đây nơi này còn hoang sơ, quanh năm chỉ biết làm nông kiếm sống. Từ khi cầu được xây, đất bà Mai nhô ra mặt tiền.
"Tụi tui bàn với mấy đứa nhỏ hết rồi, chuyến này tính làm ăn lớn, mở vựa nông sản, kiêm luôn bán thức ăn cho lữ khách. Chắc chắn sẽ khá!" - bà Mai tự tin.
Bên bờ sông Hậu, "vua rượu mận" Nguyễn Phú Tia (70 tuổi) ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) mừng ra mặt khi nhiều nhà đầu tư đón đầu, tìm đến đàm phán kết hợp làm ăn.
Ông Tia thổ lộ: "Trước đây trầy trật lắm, đôi khi làm ăn bết bát. Kể từ ngày cầu Vàm Cống sắp làm xong, du lịch xứ cù lao trở nên "đắt hàng", các công ty lữ hành thay nhau tìm đến càng nhiều".
Cầu Cao Lãnh |
"Đất lõi" đang chuyển mình
Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống hình thành giúp việc kết nối các tỉnh vùng "đất lõi" ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, Long An với TP.HCM không còn phụ thuộc vào quốc lộ 1.
Đối với Đồng Tháp, điều này còn đặc biệt hơn, hai cây cầu này giúp địa phương thoát khỏi cảnh chia cách Nam sông, Bắc sông, nối vào tuyến đường Hồ Chí Minh liền Nam - Bắc.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá các cây cầu sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Đồng Tháp và các tỉnh lân cận, mà còn nối kết các tỉnh ĐBSCL.
Hệ thống sân bay, cảng sẽ được phát huy, đặc biệt tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười sẽ được đánh thức.
Tại An Giang, trước cơ hội lớn khi cầu Vàm Cống hoàn thành, giao thông xuyên suốt, ở phía Nam sông Hậu, chính quyền tỉnh An Giang cũng xác định tập trung vào hai ngành mũi nhọn là du lịch và nông nghiệp.
Trong năm 2018, An Giang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào các khu du lịch nhằm xây dựng, phát triển kinh tế tỉnh nhà.
"Khi cầu Vàm Cống, Cao Lãnh chưa động thổ, thu hút đầu tư của tỉnh An Giang suốt 10 năm trời chỉ bằng hai năm 2016 và 2017. Xuất khẩu của tỉnh trong năm 2017 tăng cao hơn hai năm trước. Trước đây mỗi tháng chỉ tiếp khoảng 3 nhà đầu tư, nay thì ngày nào cũng có". Ông Phạm Thành Nhơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh An Giang |
Ông Phạm Thành Nhơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh An Giang, cho rằng đây là sự mong mỏi từ lâu của nhân dân và chính quyền. Trước đây các nhà đầu tư ngán ngẩm địa thế giao thông quá trắc trở, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng.
Nhưng sau khi có dự án cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, thêm yếu tố tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, làn sóng nhà đầu tư ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đổ mạnh vào An Giang.
"Trong năm 2017, tỉnh đã thu hút 83 dự án với tổng vốn đăng ký là 14.539 tỉ đồng, tăng 19,27% so với cùng kỳ năm 2016, 800 doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 100 doanh nghiệp quay trở lại An Giang hoạt động" - ông Nhơn nêu ra những con số đầy ấn tượng.
Kiên Giang không nằm trên trục lộ có cầu Vàm Cống nhưng cây cầu đã giúp rút ngắn đoạn đường và thời gian di chuyển từ TP.HCM về địa phương này. Khi cầu Vàm Cống thông xe, hàng hóa, đặc biệt là nông - hải sản của Kiên Giang, sẽ tỏa đi các tỉnh thành nhanh hơn, giá thành sẽ hạ, sức cạnh tranh nhờ đó gia tăng.
Chưa kể, việc đường sá giao thông liền mạch còn mở ra thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
"Coi như nút thắt cuối cùng của hệ thống giao thông kết nối Kiên Giang với các tỉnh thành khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ đã được tháo gỡ" - ông Mai Văn Huỳnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói.
Các cây cầu giúp ĐBSCL kết nối liên hoàn, xóa thế đò phà |
Dự án cầu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) bắc qua sông Tiền nối huyện Cao Lãnh (TP.Cao Lãnh) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), khởi công ngày 19-10-2013.
Dự án có tổng chiều dài 7,8km, trong đó cầu dài 2,1km, còn lại là đường dẫn vào cầu, với tổng vốn đầu tư 6.493 tỉ đồng.
- Dự án xây dựng tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống khởi công ngày 10-9-2013. Dự án có tổng chiều dài 15,7km, có tổng mức đầu tư 5.620 tỉ đồng.
- Dự án cầu Vàm Cống (Đồng Tháp - TP.Cần Thơ) khởi công ngày 10-9-2013. Dự án có tổng chiều dài 6,9km (trong đó cầu Vàm Cống dài 2,9km, còn lại là đường dẫn vào cầu), có tổng mức đầu tư là 7.342 tỉ đồng.
- Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (từ Cần Thơ đến Kiên Giang) dài khoảng 51km, được khởi công ngày 17-1-2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 cho 4 làn xe lưu thông.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỉ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo TTO