Cả gia đình giữ nghề làm đầu lân truyền thống

Thứ sáu, 29/12/2017, 10:42
Ngày trước, trẻ con rất mê đầu lân, mặt nạ ông địa và xem đó là món đồ chơi không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về. Mấy năm gần đây, nhu cầu chơi đầu lân, mặt nạ ông địa giảm dần...

Chị Nhân nối nghiệp ông ngoại làm đầu lân, mặt nạ ông địa

Trong khi nhiều người làm đầu lân truyền thống lần lượt bỏ nghề vì không tìm được đầu ra, thu nhập thấp... thì gia đình chị Lâm Thị Ngọc Nhân (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vẫn quyết tâm gìn giữ nghề ông cha để lại suốt mấy chục năm qua.

Nối nghiệp ông ngoại

Trước đây, ông ngoại chị Nhân là một trong những nghệ nhân làm đầu lân, mặt nạ ông địa có tiếng ở đất Cần Thơ. Từ nhỏ chị đã theo ông ngoại phụ việc nên niềm đam mê nghề ngấm vào chị lúc nào không hay. Vốn bị câm điếc bẩm sinh nên kỹ thuật làm đầu lân, mặt nạ ông địa, chị học bằng cách chú tâm theo dõi từng động tác của ông ngoại. Nhờ có đôi tay khéo léo, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã thành thạo công đoạn làm khuôn cũng như cách vẽ, kết đồ trang trí. Từ đó, chị Nhân nối nghiệp ông ngoại và tiếp tục làm cho đến hôm nay.

Bà Lâm Thị Hiền, mẹ chị Nhân, cho biết bà đẩy xe đầu lân, mặt nạ ông địa đi bán quanh năm nhưng “được mùa” nhất là từ sau tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán. Ngày trước, trẻ con rất mê đầu lân, mặt nạ ông địa và xem đó là món đồ chơi không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về. Thời điểm đó, cả gia đình phải làm từ sáng sớm cho đến tối khuya mới đủ hàng bán ra thị trường. Mấy năm gần đây, nhu cầu chơi đầu lân, mặt nạ ông địa giảm dần nhưng mỗi mùa Tết, gia đình chị vẫn bán được từ 500 - 700 sản phẩm.
Tùy thuộc vào kích cỡ từng sản phẩm sẽ có giá khác nhau, đầu lân từ 70.000 - 100.000 đồng/cái, mặt nạ ông địa 40.000 - 70.000 đồng/cái. Tính ra mỗi mùa tết, gia đình chị có nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng. “Nhiều đứa trẻ hễ thấy xe bán đầu lân, mặt nạ ông địa của tôi là đòi cha mẹ mua cho bằng được. Mua xong là đội đầu lân, đeo mặt nạ nhảy múa rất vui mắt”, bà Hiền nói.
Thổi hồn vào sản phẩm
Hiện người em trai của chị Nhân, anh Lâm Văn Hoàng, cũng bắt đầu học nghề và phụ chị làm ra sản phẩm. Anh Hoàng cho biết do đầu lân, mặt nạ ông địa làm hoàn toàn bằng tay nên tốn khá nhiều công sức. Khâu mất nhiều thời gian nhất là khâu dán giấy để tạo hình sản phẩm. Dựa trên khuôn có sẵn, nhúng giấy vào nước và đắp một lớp lên khuôn, dán thêm 1 - 2 lớp giấy trắng, giấy báo và 2 lớp giấy xi măng có phết hồ.
Các loại giấy này phải có độ dai, không bị nát vụn; hồ dán cũng là loại có độ kết dính cao. Trung bình mất khoảng 10 - 15 phút để dán xong một đầu lân. Công đoạn này khá khó vì phải làm thật nhanh tay cho bề mặt láng mịn để dễ dàng cho công đoạn vẽ trang trí. Đầu lân dán xong được đem phơi nắng, đến khi keo thật khô thì tách ra khỏi khuôn, dùng kéo cắt thành hình bán nguyệt tạo vị trí cầm. Dùng một thanh tre chuốt mỏng, uốn viền quanh cổ lân tạo khung sườn chắc chắn và làm tay cầm cho người múa.
Đến công đoạn quan trọng không kém là sơn, vẽ để thổi “hồn” cho sản phẩm. Phải chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái của con lân. “Từng nét vẽ được thực hiện tỉ mỉ nhưng không kém phần dứt khoát. Con lân mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều thể hiện qua ánh mắt”, anh Hoàng cho biết. Sau khi vẽ mắt, anh dùng bột màu sơn phủ lên đầu lân; đính kim sa làm vảy; đính lông làm râu, lông mi, lông mày; gắn 2 trái banh lò xo làm mũi. Mỗi màu của đầu lân đều có ý nghĩa khác nhau: màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, màu vàng tượng trung cho tiền bạc…
Đối với mặt nạ ông địa, cách làm khuôn cũng tương tự như đầu lân nhưng khó nhất là khâu vẽ họa tiết mí mắt, 2 bên má, miệng cười và hai hàm răng to đều. Từng nét vẽ phải thật khéo léo để ông địa mang nét vui tươi, phóng khoáng. Sau khi hoàn thành, mặt nạ sẽ được phủ một một lớp sơn bóng để giữ màu lâu phai.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích