Thổ Nhĩ Kỳ lại trở mặt với Syria
Ngày 27 tháng 12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả Tổng thống Syria Bashar al-Assad là "một tên khủng bố đã thực hiện chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước" và nói thêm rằng, ông ta không thể tiếp tục hợp tác với nhà lãnh đạo Syria.
"Làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy tương lai với một Tổng thống Syria, người đã giết chết gần một triệu công dân của mình?" - ông Erdogan đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo với Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi được truyền hình trực tiếp từ Tunis.
Đây là một phát ngôn được coi là tương đối bất ngờ, bởi trong thời gian qua chính quyền Ankara đã thể hiện thái độ tương đối hòa dịu với chính quyền Damascus, thậm chí, chính Tổng thống Erdogan mới đây còn tuyên bố rằng, nước này hiện không còn thấy Syria là mối đe dọa nguy hiểm.
Tuy nhiên, xét về tính cách thất thường và nhiều mưu mẹo của ông Erdogan thì đây không phải là điều quá khó hiểu. Ông này đã từng tuyên bố là Israel, thậm chí là cả Mỹ cũng là “một bè lũ khủng bố” thì Syria chẳng là cái gì để ông ta phải kiêng nể.
Hồi đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang điều động quân đội sang địa bản phía Bắc tỉnh Aleppo để hỗ trợ FSA đánh chiếm một khu vực rộng từ tay khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), chạy dài từ thành phố Azza đến thị trấn al-Bab, ngăn cách các khu tự trị của người Kurd ở Tây Bắc Aleppo (Afrin) và Đông Bắc Aleppo (Kobani), al-Haskah (Cirize).
Ngoài ra, vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ cũng tung quân sang tỉnh Idlib nằm ở phía Tây Bắc Syria, bắt tay khủng bố al-Qaeda Syria (tức liên minh Hay’at Tahrir al-Sham, do Jabahat Fatah al-Sham, nguyên là Jabahat al-Nusra, lãnh đạo); hỗ trợ FSA chiếm khu vực phía Bắc Idlib, để bao vây phía Nam khu tự trị người Kurd ở Afrin.
Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng con bài hai mặt trong ván cờ Syria |
Đáp trả lại những hành động này, chính quyền của ông Bashar al-Assad cáo buộc chính quyền Erdogan hỗ trợ nhóm theo chủ nghĩa khủng bố và mô tả lực lượng phiến quân đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội sang hỗ trợ, ví dụ như Quân đội Syria Tự do (FSA) là “những kẻ xâm lược”.
Bất chấp việc Nga im lặng trước hành động của chính quyền Erdogan, ông Assad tuyên bố rằng, các khu vực này “đều là các vùng đất chưa được giải phóng” và cảnh cáo rằng, trước sau gì thì Quân đội Syria (SAA) cũng sẽ giành lại những khu vực “bị ngoại bang cướp đoạt”.
Ngày 28/12, bình luận về tuyên bố của ông Erdogan hôm 27 tháng 12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nhận xét rằng, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một "kẻ khủng bố" là những cáo buộc vô căn cứ.
"Các đánh giá như vậy không có cơ sở pháp lý, những tuyên bố như vậy là vô căn cứ," Zakharova nói trong một cuộc họp báo hôm 28/12. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Nga không cho biết rằng, chính quyền Moscow có đưa ra những động thái đáp trả đối với Thổ Nhĩ Kỳ về tuyên bố mang tính “thiếu xây dựng” này hay không.
Chiến lược “dùng kẻ thù chặn kẻ thù”
Tuyên bố của ông Erdogan là một ví dụ diển hình về mối quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh Nga-Iran trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Chính quyền Ankara cùng với Moscow và Tehran là nhóm bảo lãnh hòa giải trong các cuộc đàm phán Astana về cuộc khủng hoảng Syria.
Về mặt chiến lược, từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi mục tiêu thành lập một chính phủ Hồi giáo ở Damascus, hoạt động dưới sự hậu thuẫn và lèo lái của chế độ Erdogan. Và dường như cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù phải chấp nhận việc Assad sẽ không “must go” nhưng chính quyền Ankara vẫn không từ bỏ âm mưu đánh sập chính quyền Assad.
Tuy nhiên, trong bối cảnh địa-chính trị phức tạp ở Trung Đông, Erdogan không dễ để một mình thực hiện cả 2 mục đích là tiêu diệt người Kurd và lật đổ chính quyền Assad, do đó, ông ta đang vờ hợp tác với Nga và Iran để ru ngủ Syria, nhằm mục đích bao vây người Kurd, và dĩ nhiên là sau đó, ông ta sẽ tiếp tục “tính sổ” với ông Assad.
Một mặt, chính quyền Erdogan buộc phải hợp tác với Damascus và các đồng minh của họ nếu nó muốn đạt được ít nhất một số kết quả tích cực cho chính sách của mình trong nước, ví dụ như trong việc bao vây các khu tự trị người Kurd ở Syria, chặt đứt mối liên hệ giữa cánh vũ trang của họ là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) với cánh vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK).
Mặc dù có một sự hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran về cuộc xung đột ở Syria, nhưng mặt khác thì Erdogan cũng muốn chứng tỏ rằng ông ta có quan điểm độc lập và vị thế nhất định trong việc giải quyết cuộc xung đột này và tình hình Syria thời hậu chiến.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, con bài hai mặt đó của chế độ Erdogan sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà Nga là nhân tố quan trọng nhất. Mặc dù bề ngoài có vẻ như Moscow đang bất lực trước những hành động ngày càng “trắng trợn” của Erdogan ở Syria nhưng thực chất không phải là như vậy.
Mặc dù cũng cần mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng xét toàn diện, Syria mới là chìa khóa chiến lược về địa-chính trị ở khu vực Trung Đông đối với chính quyển của ông Putin; do đó, Moscow sẽ không bao giờ để “liên minh hờ” với chính quyền Erdogan gây nguy hiểm cho chính quyền Assad.
Syria mới là chìa khóa then chốt của Nga ở Trung Đông chứ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ |
Trong bối cảnh Syria đang còn rất nhiều kẻ thù, Nga không thể hỗ trợ Assad chống lại hàng loạt đối thủ lớn như vậy. Do đó, việc lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn người Kurd cũng là một đối sách trước mắt có thể sử dụng để “lấy kẻ thù chặn kẻ thù”, sau khi giải quyết hết những đối thủ ở các vùng khác nhau trong cả nước mới tính tiếp đến khu vực Aleppo, Idlib.
Việc thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế quân sự với Ankara không có nghĩa là Moscow đang “bỏ rơi” Damascus mà ngược lại, ông Putin đang sử dụng những công cụ này vừa để làm lợi cho mình, vừa để kiềm chế chính quyền Erdogan. Mức độ áp lực ngoại giao và kinh tế, quân sự từ Nga chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến lập trường của chế độ Erdogan.
Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, một mặt Syria sẽ tuyên bố cứng rắn về vấn đề bảo vệ chủ quyền (điều đương nhiên ông Assad phải làm), còn phía Nga, ông Putin sẽ hết sức điều hòa mối quan hệ giữa Ankara với Damascus, sử dụng các “công cụ mềm” để làm sợi dây cương kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ, điều chỉnh hành động của chính quyền Erdogan phù hợp với lợi ích quốc gia của mình, đồng thời “không gây phương hại lớn” đến đồng minh Assad.
Có thể nói rằng, ván cờ địa-chính trị ở Syria vẫn còn rất phức tạp với rất nhiều bên can dự và chúng ta sẽ tiếp tục chờ Nga sẽ đưa ra những đối sách như thế nào trong thời gian tới.
Theo Đất Việt