|
Các nhà chức trách lo ngại hàng nghìn phụ nữ khác có thể đang sống trong điều kiện tượng tự trong khoảng 300 “trường học” trên toàn Ấn Độ |
Không một tiếng ồn nào có thể át đi tiếng hét của những người phụ nữ trong một tòa nhà ở phía Tây Delhi, những người hàng xóm sống gần đây cho biết.
Thứ 7 tuần trước, tại tòa nhà này, các nhà chức trách Ấn Độ phát hiện 21 phụ nữ và trẻ em sống trong “trường học tâm linh” với an ninh nghiêm ngặt. Trong số đó, ít nhất 5 người là trẻ vị thành niên, tờ Guardian đưa tin.
Cuộc đột kích tương tự vào các chi nhánh của tổ chức AVV trong tuần qua phát hiện gần 250 phụ nữ và 48 bé gái bị nhốt trong hệ thống phòng như mê cung với những cánh cửa khóa chặt.
Các nhà chức trách Delhi lo ngại hàng nghìn phụ nữ khác có thể đang sống trong điều kiện tượng tự trong khoảng 300 “trường học” được tin là có liên quan đến AVV trên toàn quốc.
Swati Maliwal, giám đốc ủy ban về phụ nữ tại Delhi, người đã tham gia 5 cuộc đột kích, cho biết ống tiêm và dược phẩm được phát hiện rải rác khắp các cơ sở này. Nhiều người trong đó dường như bị đánh thuốc.
Hầu hết những người phụ nữ ở đây không đồng ý rời đi. Những người dưới 18 tuổi đã được đưa đến nơi trú ẩn nhưng cung cấp ít thông tin cụ thể, Maliwal nói.
"Chúng tôi hỏi họ đến từ đâu, họ không nói. Chúng tôi hỏi địa chỉ của cha mẹ họ, họ không có thông tin đó. Chúng tôi hỏi họ ở đó bao lâu, họ trốn tránh”, cô nói.
Cảnh sát Ấn Độ đột kích một cơ sở trường học của AVV vào tuần trước |
Guru - những người thầy về tâm linh trong Hindu giáo – thường là người hướng dẫn, khai sáng cho nhiều người Ấn Độ về cuộc sống. Họ tư vấn người dân về nhiều vấn đề khác nhau, từ vấn đề đạo đức đến việc chọn xe hơi.
Tuy nhiên, vài tháng trước, vụ việc một guru tên Ram Rahim Singh bị kết án vì cưỡng hiếp hai tín đồ đã làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp Ấn Độ. Và những cuộc đột kích gần đây càng cho thấy rõ sức mạnh to lớn không được kiểm soát của một số lãnh đạo tâm linh ở Ấn Độ.
Virendra Dev Dixit, 75 tuổi, người sáng lập tổ chức AVV tự nhận mình là “người của thần”. Ông ta từng bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhiều lần từ năm 1998. Hiện Dixit đang bị cảnh sát truy lùng và không rõ đang ở đâu.
Các cáo buộc gửi lên tòa án nói rằng Dixit được mô tả như hiện thân của Krishna – một vị thần trong Hindu giáo được tin là có 16.000 vợ. Ông ta bị tố cáo cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em sống trong các “trường tâm linh” của mình, nơi có điều kiện sống như thú vật.
Ở Ấn Độ, các trường học hay cộng đồng tâm linh quy mô lớn, được gọi là dera, là một địa điểm hấp dẫn, theo Ronki Ram, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Panjab.
Dera trở nên phổ biến khi nền kinh tế Ấn Độ phát triển và thu nhập gia tăng trong những thập kỷ qua. "Một khi người ta có mọi thứ, vợ chồng, công việc tốt, gia đình, và thấy rằng họ không thực sự hạnh phúc, họ sẽ đến dera", Ram nói.
Các tổ chức tâm linh này cũng cung cấp phúc lợi ở những nơi nhà nước không hỗ trợ. "Một số dera có trường học, bệnh viện riêng. Khi nhà nước bắt đầu rút khỏi việc cung cấp các cơ sở cơ bản, dera sẽ lấp đầy khoảng trống”, theo Ram.
Ram thêm rằng các chính trị gia nhiều khả năng tìm kiếm đến các guru để kêu gọi bầu cử. "Họ thấy các guru có nhiều tín đồ, những người có thể là cử tri”.
Dixit chưa bao giờ đăng ký tổ chức của mình với chính phủ. Maliwal, giám đốc ủy ban về phụ nữ, nói rằng đây là trường hợp điển hình của môi trường bất hợp pháp mà nhiều nhiều nhà lãnh đạo tâm linh đang hoạt động. "Không ai dám vào trong các trường học của họ," cô nói.
"Những guru này là những người có ảnh hưởng rất lớn. Đôi khi họ có mafia, và đôi khi họ là mafia. Không ai muốn đối đầu với vấn đề này”.
Theo Dân Việt