Vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 10. Ngày 29/12, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với Reuters rằng tàu Lighthouse Winmore chuyển dầu đã qua tinh chế cho một tàu Triều Tiên trên vùng biển quốc tế.
Cũng theo tài liệu mà Reuters tiếp cận được, Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa con tàu trên vào danh sách "đen" vì đã vi phạm các lệnh cấm vận do cộng đồng quốc tế áp đặt lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Một con tàu tại bến cảng Victoria, Hong Kong. Ảnh: AFP. |
Thông tin này được tiết lộ trong thời điểm Trung Quốc bị nghi ngờ vẫn lén lút bán dầu cho Triều Tiên. Trung Quốc cho biết không có vụ buôn bán dầu trái phép nào giữa tàu Trung Quốc và tàu của Triều Tiên để né lệnh trừng phạt, như tin từ tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa hôm 27/12.
Báo này cho biết các vệ tinh gián điệp Mỹ đã phát hiện ra 30 trường hợp chuyển dầu kể từ tháng 10.
Được hỏi tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng liệu các tàu Trung Quốc có cung cấp dầu bất hợp pháp cho các tàu Triều Tiên hay không, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tái khẳng định Trung Quốc nghiêm chỉnh thực thi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Hình ảnh tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên nối với tàu Trung Quốc do vệ tinh trinh sát chụp lại, nghi là hoạt động trao đổi dầu. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cũng nói rằng Trung Quốc "bị bắt quả tang" tuồn dầu cho Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, hạn chế quốc gia Đông Á tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm gần 90% lượng xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên bằng cách hạn chế số lượng còn 500.000 thùng mỗi năm.
Theo Zing