|
Biểu tình phản đối chính phủ tại thủ đô Tehran |
Hãng AFP hôm qua đưa tin ít nhất 21 người thiệt mạng ở Iran khi cuộc biểu tình chống chính phủ bước sang ngày thứ 6 và lan ra 40 thành phố, thị trấn trên cả nước. Tại thị trấn Qahderijan, những người biểu tình đã tấn công, đốt phá một đồn cảnh sát và đụng độ quyết liệt với lực lượng an ninh vào đêm 1.1. Thông tin không chính thức cho hay một số người biểu tình đã thiệt mạng. Trong khi đó tại thành phố Najafabad, một người biểu tình xả súng khiến 1 cảnh sát thiệt mạng và 3 cảnh sát khác bị thương nặng. Nhiều thông điệp lan truyền trên mạng xã hội kêu gọi tiếp tục tổ chức biểu tình tại 10 thành phố khác.
Đến hôm qua, Phó tỉnh trưởng tỉnh Tehran Ali Asghar Naserbakht cho biết hơn 450 người đã bị bắt giữ kể từ khi biểu tình bùng phát tại thành phố Mashhad vào ngày 28.12.2017. Chánh án Tòa án cách mạng Tehran Musa Ghazanfarabadi hôm qua cảnh báo những đối tượng bị bắt giữ sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. Cuộc biểu tình ban đầu chỉ nhằm phản đối tình trạng tham nhũng và kinh tế trì trệ trước khi chuyển sang chính trị. Bên cạnh việc chỉ trích chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani, người biểu tình lần đầu tiên thể hiện sự phẫn nộ đối với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei kể từ khi ông này bắt đầu tại vị vào năm 1989.
Đe dọa chế độ
Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang tại Iran, Đài Fox News ngày 2.1 tiết lộ báo cáo về những cuộc họp giữa ông Khamenei với giới lãnh đạo nhằm bàn biện pháp đối phó bất ổn đang “đe dọa an nguy của chế độ”. Báo cáo cảnh báo các giáo sĩ và lãnh đạo cần lập tức đến nơi và ngăn chặn tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. “Cầu mong thượng đế giúp chúng ta, đây là tình hình rất phức tạp và khác hẳn những lần trước đây”, báo cáo viết, đồng thời lưu ý rằng tất cả khẩu hiệu của người biểu tình gần đây đều chống lại lãnh tụ Khamenei.
Cũng theo báo cáo, bộ phận tình báo thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang theo dõi sát sao tình hình và phối hợp ngăn chặn các cuộc biểu tình. Hiện IRGC chưa đưa ra “cảnh báo đỏ”, đồng nghĩa với việc quân đội được trực tiếp tham gia chống biểu tình. Tuy nhiên, báo cáo nhận định “cảnh báo đỏ” sẽ gây phản tác dụng và “chọc giận những người biểu tình”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nước ủng hộ các cuộc biểu tình. Trước đó, Tổng thống Trump nhiều lần cho rằng người dân Iran “bị đàn áp” trong nhiều năm qua. “Họ khao khát thực phẩm và tự do. Cùng với nhân quyền, sự giàu có của Iran đang bị cướp. Đã đến lúc thay đổi”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khen ngợi “những người Iran dũng cảm” đã xuống đường và chúc họ thành công trong hành trình “tìm kiếm tự do”. Ủy ban Châu Âu cũng đề nghị Iran đảm bảo quyền biểu tình của người dân, trong khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết nước này đang theo sát mọi diễn biến ở Iran.
Trước làn sóng chỉ trích từ bên ngoài, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani đáp trả rằng tình trạng bất ổn ở nước này là “cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại người dân Iran”. “Các thông điệp về tình hình ở Iran đến từ Mỹ, Anh và Ả Rập Xê Út”, ông cho hay.
Lãnh tụ Khamenei hôm qua cũng lên tiếng cáo buộc việc một số nước gây bất ổn cho Iran. “Trong những ngày này, kẻ thù của Iran dùng nhiều công cụ như tiền, vũ khí, chính trị và điệp viên để gây rối”, ông Khamenei cáo buộc, đồng thời cho hay ông sẽ phát biểu chính thức về những biến cố gần đây “khi đến thời điểm”.
Trong khi đó, Bộ Tình báo Iran cho biết đã xác định được “những kẻ chủ mưu” và sẽ sớm xử lý. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cũng truy nã 3 cá nhân, đồng thời kêu gọi người dân trình báo về “các thành phần xúi giục”. Theo Reuters, chính phủ Iran hiện đang chặn truy cập các ứng dụng chia sẻ trên mạng như Telegram và Instagram, trong khi có thông tin mạng internet cũng bị chặn ở một số khu vực.
Theo Thanh Niên