|
Ông Sơn đu dây lau kính ở tuổi 50 |
“Ông đó” chính là ông Nguyễn Thanh Sơn (50 tuổi, ở đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
“Già mà gân”
Một ngày đầu tháng 12, ở tòa nhà Vinhome Tân Cảng (hay còn gọi Vinhomes Central Park, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh), có một công nhân mặc áo lưới, nón bảo hộ đang miệt mài, tỉ mẩn với công việc lau kính từ tầng 46 xuống tầng thấp nhất.
Nhìn những động tác lấy tay bấm khóa chữ D để tuột xuống, mở khóa để cố định vị trí, rồi lấy hít kính áp vô kính để chân vào nhằm giữ người cố định trên không, hay những thao tác gạt nước, lau kính… thoăn thoắt, nhanh nhẹn, không ai nghĩ người ấy đã bước sang tuổi 50.
Có lẽ vì thế mà khi nhắc đến ông, Trần Văn Cang (28 tuổi, quê ở Phù Cát, Bình Định), có thâm niên 11 năm trong nghề nói ngay: “Ai chứ “cha già” (một cách gọi yêu thương, kính trọng) đó “già mà gân lắm”. 50 tuổi rồi mà khi làm, thao tác nhanh hơn cả thanh niên”.
Tính đến nay, “ông già mà gân” này đã tròn 21 năm theo nghiệp đu dây lau kính, kể từ khi nghề này bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn.
Hỏi ông làm sao có thể có sức khỏe tốt mà theo nghề đến tận hôm nay? Ông Sơn trả lời bằng câu chuyện: “Thời trai trẻ, tôi là “một con sâu rượu”. Nhưng rồi khi quyết định làm nghề này, tôi từ bỏ tất cả. Rượu cũng không mà thuốc lá cũng không. Tôi phải giữ sức khỏe tốt nhất để làm nghề. Nhờ vậy tôi mới có thể theo nghề suốt 21 năm qua”.
Cả một đời đu dây, ông Sơn đã làm công nhân cho 6 công ty vệ sinh công nghiệp ở TP.HCM, đã tham gia “rửa mặt” cho vô số tòa nhà cao tầng trên khắp cả nước, từ An Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu cho đến Nha Trang, Đồng Nai… Trong đó, có những tòa nhà “cao chọc trời” như: Bitexco, Saigon Times Square…
Có nhiều đồng nghiệp từ ngày đầu tiên làm nghề với ông Sơn “đã bỏ nghề hết trơn” (như lời ông kể), để tìm kiếm công việc khác, nhưng ông Sơn vẫn đeo đuổi đu dây. Hỏi lý do, ông cười giải thích: “Tôi thích cái nghề này. Tôi sống bằng cái nghề này từ thời trai trẻ, dần dần đam mê và yêu nó đến tận bây giờ. Cũng nhờ cái nghề này mà tôi có “của ăn của để”, đủ lo cho gia đình, nuôi hai đứa con (21 và 14 tuổi) ăn học”.
Ông Sơn nhớ những ngày đầu làm nghề: “Hồi đó tôi làm một tháng 26 công (26 ngày), tiền lương là 100 USD, quy ra tiền mặt là 1,2 triệu đồng. Sau đó thấy mình cố gắng làm việc chăm chỉ, nên được tăng thêm 15 USD. Số tiền ấy mua được 3 chỉ vàng luôn đấy”.
Hiện tại, với kinh nghiệm của mình, ông được chọn làm giám sát công trình cho Công ty Care Vietnam, hưởng mức lương hơn 8 triệu đồng mỗi tháng. “Nhưng thỉnh thoảng vì muốn phụ giúp đỡ đần anh em, muốn làm cho công trình hoàn thiện nhanh, nên tôi cũng đu dây”, ông Sơn kể.
Ông Sơn chia sẻ về những kỷ niệm nhớ đời khi làm nghề nguy hiểm này |
Suýt chết
21 năm theo nghề này, ông Sơn đã từng là người trong cuộc của nhiều sự cố, nhưng đều may mắn thoát nạn.
Kỷ niệm mà ông Sơn mỗi khi nghĩ lại đều nổi gai ốc, đó là vào năm 2013, khi đang lau kính ở tầng 33 cao ốc Saigon Trade Center (37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM), thì bất ngờ gió đến rất nhanh và thổi mạnh. Ông Sơn dùng dụng cụ hít kính để cố định vị trí nhưng không có tác dụng. Gió mạnh hất ông rơi ra khỏi ghế ngồi. “Tôi đu trên dây “bay ra bay vô” khoảng 25 phút trong phạm vi gần chục mét, chẳng thể nào bám được vào đâu cả. Tôi thấy mệt trong người, bị choáng đi. Tôi đã nghĩ tới những điều xấu nhất. Nhưng sau đó tôi dùng thế để leo ngược vô lại, đưa chân lọt vô ghế, và ngồi yên vị được trên ghế. Rồi sau đó bình tĩnh tuột xuống, nên bây giờ còn được nói chuyện với cậu”, ông Sơn cười.
Cũng sau kỷ niệm nhớ đời ấy mà ông Sơn đã rút tỉa cho mình nhiều kinh nghiệm hơn. “Bây giờ, mỗi khi đi đu dây, tôi nghe được hơi gió, thấy lạnh một xíu sau gáy là biết sắp có mưa, thấy không ổn là tuột xuống liền”, ông Sơn kể.
Ông Sơn bảo đu dây lau kính là cái nghề cực kỳ nguy hiểm. Nhưng sau bao năm chinh chiến, lăn lộn với nghề, ông nhận ra: “Nguy hiểm hay không là do ý thức của mỗi người. Nếu đặt an toàn lên hàng đầu, biết tự bảo vệ, đề phòng thì sẽ không nguy hiểm”.
“Cho dù tay nghề giỏi đến mấy nhưng sai một ly là đi một dặm, để ra sơ sẩy thì… khó sống nổi. Giỏi mà chủ quan là dễ chết”, ông Sơn chiêm nghiệm.
Ngày tôi đến xin ông Sơn được làm việc không công, ông dặn dò: “Khi chấp nhận làm cái nghề này thì phải có tính cẩn thận, không được lơ là trong công việc. Cái nghề này nó lạ ở chỗ, là không bao giờ cho mình có cơ hội sửa sai. Đã đu dây lau kính trên cao thì phải bắt buộc chú trọng đến việc an toàn. Nghề này có đến một trăm điều khó. Cái xô nước bị chao nghiêng thôi cũng dễ dẫn đến sự cố. Một dụng cụ hành nghề mà rơi xuống đất cũng khiến người dưới đất bị thương. Rồi sợi dây mà có vấn đề thì dễ đi tong một mạng người...”. Đây cũng là kinh nghiệm mà ông Sơn luôn dặn dò với hàng trăm đồng nghiệp trẻ mà ông có dịp gặp suốt 21 năm qua.
Ông Sơn bảo, với kinh nghiệm của mình, “Làm riêng ở ngoài thì lương cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Lấy tiền chưa chắc dễ. Vả lại nếu làm ngoài thì công việc bấp bênh chứ không thường xuyên. Nên tôi chọn cái mức lương không quá cao nhưng mà được làm việc ổn định, hưởng được chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn, thất nghiệp. Và nhất là khi làm ở công ty thì được sử dụng những đồ nghề bảo đảm an toàn. Làm nghề này phải lo cho tính mạng của mình là trên hết”.
Không một ai cưỡng lại được thời gian, ông Sơn hiểu điều đó. Nên ông bảo: “Tôi thì còn rất mê nghề, tôi có thể đu dây lau kính thêm được 2, 3 năm nữa. Nhưng chỉ sợ công ty thấy tôi già rồi không cho đu nữa, chứ công ty đồng ý thì tôi vẫn đu thôi”.
Ông nhìn lên tòa nhà đang xây, cũng trong khu Vinhomes Central Park, dự kiến 81 tầng rồi nói: “Nếu được mời làm tòa nhà này thì tôi cũng đu dây leo kính thôi”.
Đúng là giới đu dây leo kính “đồn” chẳng sai tí nào: ông Sơn “già mà gân”.
3 anh em “siêu nhân
Trong giới đu dây lau kính ở TP.HCM, có một nhóm được gọi là 3 anh em “siêu nhân”. Đó là ba chàng trai người Cà Mau gồm: Nguyễn Hải Tùng (28 tuổi), Nguyễn Khánh Toàn (26 tuổi, em ruột Tùng) và Lương Hồ Khải (23 tuổi, em họ của Tùng). Trải qua nhiều nghề nhưng Tùng cảm thấy chán vì không phù hợp, trong khi nghề đu dây “phiêu du” lại mê hoặc Tùng bởi anh đam mê độ cao. Thế là Tùng quyết định theo nghiệp đu dây lau kính, đến nay Tùng có thâm niên 8 năm trong nghề.
Khi thấy Toàn và Khải đang phân vân tìm nghề, Tùng rủ làm chung. Ba anh em “siêu nhân” này luôn bên cạnh nhau trong tất cả công trình. Thay vì gọi bằng anh, Toàn và Khải gọi Tùng là “thầy”. Tùng đang là trưởng một nhóm đu dây chuyên nghiệp ở TP.HCM gồm 8 thành viên, chuyên nhận đơn đặt hàng từ các công ty vệ sinh công nghiệp. Tùng đã có vô số lần đu mình trên dây ở những tòa nhà cao “chọc trời” như: Saigon Center 2 (42 tầng, 193m), tòa nhà 50 tầng trong khu Vinhome Tân Cảng (150m)…
|
Theo Thanh Niên