Bệnh than, nỗi ám ảnh từ lính Bắc Triều Tiên đào tẩu

Thứ năm, 04/01/2018, 14:49
Máu của người lính Bắc Triều Tiên vừa đào tẩu sang Hàn Quốc chứa kháng thể bệnh than khiến nhiều người khiếp sợ.


Hàn Quốc đã phát hiện một lính Triều Tiên đào tẩu mang trong máu kháng thể bệnh than trong khi nước này chưa có vắc xin ngừa bệnh.

Sự hiện diện của kháng thể Anthrax có nghĩa binh lính vừa đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên đã bị phơi nhiễm vi khuẩn nhưng chưa phát bệnh, hoặc có thể đã được chủng ngừa bệnh than.

Nhiều hãng tin đã bày tỏ nỗi lo lắng, bởi với bằng chứng trên cho thấy một cái gì đó khủng khiếp cho thấy binh lính này đã tiếp xúc với các vi khuẩn chết người. Điều này dường như khẳng định, các báo cáo nói rằng Triều Tiên đang phát triển vũ khí sinh học có thể được sử dụng trong công nghệ tên lửa tầm xa của họ là có cơ sở.

Theo báo cáo của Trung tâm Belfer, thuộc Trường Hành Chính Kennedy, đại học Harvard hồi cuối tháng 10, Triều Tiên hiện được cho là có 13 loại vi khuẩn, trong đó có loại gây ra ngộ độc thịt (botulism), tả, đậu mùa và bệnh than. Phương tiện lan truyền có thể bao gồm các tên lửa, máy bay, thiết bị bay không người lái, bình xịt. Báo cáo cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng người trung gian truyền bệnh khi nước này có 200.000 thành viên lực lượng đặc nhiệm.

Bệnh than là gì mà con người khiếp đảm?

Bệnh than (còn gọi là bệnh nhiệt thán, tên khoa học Anthrax) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra trên các loài động vật máu nóng.

Đường lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, hô hấp và qua vết thương hở trên da. Khi động vật ăn phải, hít phải, tiếp xúc với nha bào bệnh than qua vết thương, nha bào phát triển thành vi khuẩn nhiệt thán, từ đó xâm nhập vào các cơ quan, tổ chức trong cơ thể gây bệnh.

Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm "đặc biệt nguy hiểm".

Ở ngoài môi trường, khi điều kiện bất lợi, vi khuẩn Bacillus anthracis sẽ sinh nha bào. Nha bào bệnh than có sức sống rất cao, có thể tồn tại hàng thập kỷ thậm chí thế kỷ trong môi trường khắc nghiệt và được ghi nhận có mặt ở tất cả các lục địa.

Đối với những nơi chôn người và động vật mắc bệnh, nha bào vẫn tồn tại và phát tán rộng lên môi trường khi giun đất ăn phải và đùn theo phân lên mặt đất.

Biểu hiện lâm sàng ở người là hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương thường gặp ở da. Thể hô hấp và tiêu hóa ít gặp nhưng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm "đặc biệt nguy hiểm". Vi khuẩn than dễ được nghiên cứu sử dụng trong chiến tranh sinh học.

Những lần 'khiếp vía' vì vũ khí sinh học

Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến các cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học khiến cuộc sống nhiều quốc gia đảo lộn.

Năm 2001, các cơ quan truyền thông Mỹ đưa hình ảnh đám tang của một nạn nhân bệnh than là Joseph P. Curseen Jr, nhân viên bưu điện ở Washington. Ðây là nạn nhân thứ ba qua đời vì mắc phải bệnh than ở thể lây nhiễm qua đường hô hấp sau khi tiếp xúc với thư chứa vi khuẩn bệnh than.

Trong thế chiến thứ 2, người Nhật đã từng thả các nguồn mầm bệnh xuống nhiều thành phố Trung Quốc.

Năm 1984, giáo phái Mỹ có tên Rajneeshees đã sử dụng khuẩn salmonella để gây ô nhiễm cho các quán bar ở Dalles, Bắc bang Oregon (Mỹ).

Năm 1995, giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý tối thượng) thực hiện một vụ tấn công bằng khí độc Sarin trong hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã từng lo lắng phải đề phòng với các vụ tấn công bằng vũ khí sinh học như Hàn Quốc, Kuwait ...

Vụ khủng bố bệnh than năm 2001 đẩy nước Mỹ đứng bên bờ vực hoảng loạn, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra hình sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hàng trăm điều tra viên được tung đi khắp nơi để tìm cho ra manh mối tên khủng bố giấu mặt đã bỏ những lá thư chứa bào tử vi khuẩn bệnh than vào các thùng thư ở Princeton (New Jersey) làm 5 người chết, 17 người nhiễm bệnh, và 17 văn phòng công sở, tòa báo lớn tại các bang New Jersey, Florida, New York, kể cả các tòa nhà Quốc hội và Trụ sở Tòa án tối cao phải sơ tán. Thiệt hại vật chất ước tính hơn 1 tỉ USD. Mỹ cũng phải chi đến 5,6 tỉ USD để phát triển các loại vắcxin và thuốc chống bệnh than.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn