Ở tuổi 74, Trang Kim Sa vẫn chưa từng quên những vui buồn, những con người từng gắn bó suốt quãng đời sân khấu |
Ngước đôi mắt sâu nhìn xa xăm, Trang Kim Sa gói gọn cuộc đời “pê-đê” của mình chỉ bằng mấy câu nói: “Công việc thì có buồn có vui, cũng như bao người. Tình yêu, qua đường thì nhiều nhưng khắc cốt ghi tâm chỉ có một, cũng như bao người”.
Vui buồn một kiếp cầm ca
30 năm với kiếp cầm ca, rong ruổi từ Nam chí Bắc, Trang Kim Sa đã giữ riêng cho mình không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Bà bồi hồi nhớ lại: “Lô tô ngày xưa chơi là phải có ban nhạc, lỡ bữa nào đột xuất thiếu một tay trống, tay lead (lead guitar) thì anh em cứ ‘có nhiêu chơi nhiêu’, chịu khó ‘gánh’ nhau một chút. Tôi cũng biết chút ít ghi-ta, có lần ‘kẹt’ quá cũng dứt đại cho xôm. Xưa thiếu thốn nhiều thứ, chứ đâu đủ đầy công nghệ như giờ”.
Tuy khó khăn, nhưng anh em trong đoàn lại rất hòa đồng, luôn giúp đỡ lẫn nhau. “Anh em chơi đâu ra đó, làm đâu ra đó, cứ nương nhau mà sống. Không ai nói nhưng nhìn vào là thấy tình cảm. Còn bây giờ sống cá nhân nhiều hơn. Xã hội kim tiền mà, ai cũng chỉ lo cơm áo gạo tiền với lợi ích của mình”, bà Sa lắc đầu khi chiêm nghiệm về cuộc đời.
Tình cảm gắn bó càng thấy rõ giữa những người chuyển giới như Kim Sa. Dù mỗi đoàn, các “cô đào” chỉ ở vài hôm, lâu thì được một tuần, nhưng dù là lạ hay quen thì ai nấy cũng đều giúp đỡ nhau làm nghề. “Xã hội đã có phần kì thị chúng tôi, nếu chúng tôi còn lục đục với nhau thì còn gì nói nữa. Dường như giữa chị em có một sự đồng cảm, nên dù có chuyển bao nhiêu "bến" lô tô, có còn gặp lại hay không cũng vẫn quý nhau như vậy”, Kim Sa trải lòng.
Với Kim Sa, quãng đời được đứng dưới ánh đèn sân khấu là hạnh phúc nhất, vì không chỉ được sống là chính mình, mà còn được sống với đam mê. Bà hào hứng kể: “Mỗi lần chúng tôi dừng chân là y như rằng lại có thêm một kỉ niệm với nhiều người dân địa phương, cũng là những khán giả yêu mến. Họ thích tính phóng khoáng, cách nói chuyện vui vẻ của chúng tôi, nên ban ngày mang trái cây qua đoàn cho, tới bữa dọn "bến" cũng kêu về nhà ăn bữa cơm cho được”.
Có lúc vui thì cũng có lần buồn. Nhưng theo Kim Sa, cái buồn nhất không phải ở miệng đời gièm pha về phận “bóng gió” của bà, mà cũng từ chính gánh hát mà ra: “Cái nghề này bạc. Ngày mình còn trẻ, còn đẹp, mình là nhất. Đến lúc có “đào” trẻ hơn, đẹp hơn thì đương nhiên mình ra rìa. Tủi nhất là cách người chủ làm điều đó. Họ sẽ đâm chọt, bịa chuyện khán giả nói này nói kia đủ thứ để đối xử khác đi”. 30 năm như thế, biết bao nhiêu nỗi niềm?
Qua đường
“Rày đây mai đó, có ở yên đâu mà đòi gắn bó với ai”, Trang Kim Sa xuống giọng khi nói về tình duyên của những phận “đào” lô tô như mình. Nhưng đời Kim Sa có một người mãi mãi khiến bà không thể quên, đó là người con trai tên Tú.
Bà và Tú gặp nhau ở phi trường Trà Nóc (Bình Thủy, Cần Thơ). Hai người đem lòng yêu nhau, khi Kim Sa vẫn còn là “bóng kín”. Cái chạm mặt đầu tiên, sự quan tâm, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ Tú dành cho bà là những điều bà vẫn còn nhớ như in.
“Sau khi đất nước thống nhất, Tú đưa tôi về nhà ở cùng gia đình. Mẹ Tú quý tôi lắm, nhưng trong mắt bà, tôi và Tú chỉ là hai người bạn thân mà thôi. Trớ trêu thay, một ngày bà gọi tôi đến và nói rằng em gái Tú đã thương tôi, ngỏ ý muốn tôi thành đôi với cô ấy. Tôi bàng hoàng. Sau đó, tôi quyết định ra đi, chứ còn lựa chọn nào nữa…”, Kim Sa xót xa kể về quyết định của mình.
Nhưng duyên tình sâu nặng, bà và Tú vẫn cùng giữ mối quan hệ ấy. Cho đến một ngày, Tú đề nghị Kim Sa theo ra nước ngoài, vậy mà không biết vì điều gì, bà lại từ chối.
Ngay cả với bà Hai, Trang Kim Sa cũng chỉ xem là chuyện tình nghĩa, không phải tình yêu. Tình yêu của bà chỉ duy nhất một người là Tú. |
“Cả tôi cũng không biết vì sao. Cũng do tôi không đi mà Tú ở lại. Còn lần này, tôi vẫn ở lại, nhưng Tú đi… Chưa có ai tốt với tôi như Tú, vậy mà tôi không biết giữ”, bà Sa kể với đôi mắt bắt đầu ngấn nước.