Khui hầm chứa vũ khí giữa Sài Gòn bỏ dở từ năm 1968

Thứ ba, 30/01/2018, 10:13
Đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia từ nhiều năm nay, dịp kỷ niệm 50 năm tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, căn hầm chứa vũ khí phục vụ trận đánh dinh Độc Lập của nhà tư sản Mai Hồng Quế lại có thêm điểm mới: khui thêm một căn hầm.


Bên căn hầm di tích ở nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, bà Năm Lai (Đặng Thị Thiệp), vợ ông Mai Hồng Quế, kể: "Các căn hầm này chồng tôi và tôi đã tự tay đào từ năm 1965 chuẩn bị cho tổng tấn công khi có lệnh. Đào hầm ở một căn thì phải mua luôn cả hai căn nhà bên phải, bên trái để đảm bảo bí mật giữa xóm lao động.

Hoàn thiện xong căn hầm ở giữa, chuẩn bị đưa vũ khí vào, ông ấy lại bảo đào thêm hầm bên cạnh để có thêm chỗ chứa. Chúng tôi âm thầm làm, vẫn dang dở thì trận Mậu Thân 1968 diễn ra. Căn nhà có hầm vũ khí bị lộ. Căn hầm dở dang bên cạnh bỏ dở. Chúng tôi phải ra khu.

Sau 1975, chính quyền lấy lại được căn nhà 287/70 để làm di tích lịch sử, hai căn bên cạnh vẫn là nhà dân.

Trải qua bao nhiêu năm, nay gia đình vừa mua lại được một căn nhà bên trái, khui lại căn hầm đã bị bỏ dở từ năm 1968, nối vào căn hầm cũ để khôi phục nguyên trạng".

Cũng 50 năm nay, thành lệ, gần đến Tết, ông Bảy Hôn (Phan Văn Hôn, chiến sĩ biệt động Sài Gòn) lại khoác quân phục gắn đầy huân huy chương, rời nhà từ Trung Lập Thượng (Củ Chi) để "xuống Sài Gòn".

Điểm đến của ông vẫn như chiều Mùng Một Tết Mậu Thân 50 năm trước: căn nhà nhỏ trong con hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM).

"Từ căn hầm này, 50 năm trước, 16 anh em biệt động chúng tôi đã ẩn náu từ chiều đến đêm mùng Một Tết, ăn cùng nhau chiếc bánh tét trước khi vào trận", ông Bảy nhắc như sự việc mới diễn ra hôm qua.

Họ nhận nhiệm vụ mang bộc phá đến cổng sau dinh Độc Lập. 8 người đã hy sinh tại chỗ, 7 người bị bắt vào sáng Mùng Ba tại một căn nhà xây dang dở trên đường Thủ Khoa Huân. Duy nhất ông Năm Lai thoát được ra khu.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia "Hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968" tại nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3

Bà Năm Lai (Đặng Thị Thiệp) kể lại hành trình gia đình vừa mua lại được một căn nhà bên trái kế bên di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Nắp hầm bí mật nằm phía sau nhà bếp

Lối đi xuống hầm bí mật nằm phía sau nhà bếp rộng khoảng 50cm để vận chuyển vũ khí

Đường đi lên của hầm bí mật liên thông với căn hầm bên cạnh

Căn nhà bên trái vừa được bà Năm Lai mua lại kế bên di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Mặt cắt dọc căn hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn. Dưới cùng là hầm bí mật chứa vũ khí; ở giữa là khu sinh hoạt bình phong; phía trên là hầm nổi để cán bộ, chiến sĩ ẩn náu

Ông Bảy Hôn (Phan Văn Hôn) - chiến sĩ biệt động Sài Gòn - đã cùng các đồng đội lấy vũ khí và xuất phát tấn công dinh Độc Lập đêm Mùng Một Tết Mậu Thân 50 năm trước

Một bộ ván được ngụy trang để vận chuyển về Sài Gòn và cất giấu trong "hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn

Các bạn trẻ trải nghiệm xuống hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn

Theo TTO

Các tin cũ hơn