Trong ngôi nhà nhỏ bên hông chợ Tân Định, TP.Hồ Chí Minh mấy ngày nay, gia đình bà Đặng Thị Tuyết Mai (tên khác là Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Trần Văn Lai - cựu cán bộ biệt động Sài Gòn) luôn tiếp đón nhiều đoàn khách.
Cũng 50 năm nay, thành lệ, cứ gần đến Tết bà lại dẫn những vị khách muốn thăm lại căn hầm bí mật nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 - nơi đã lưu dấu một thời hào hùng của dân tộc. Cũng chính nơi đây, 50 năm trước, 15 anh em biệt động cùng với chồng bà đã nhận nhiệm vụ mang bộc phá đến cổng Dinh Dộc Lập. Họ đã ẩn náu, cùng nhau bí mật làm nhiệm vụ, và rồi quây quần ăn một chiếc bánh tét trước giờ lâm trận.
Mỗi lần ngồi cạnh nắp căn hầm bí mật của ngôi nhà năm xưa, ký ức lại như ùa về trong bà, như một thước phim quay chậm.
Bà Đặng Tuyết Mai (phải) - vợ của ông Trần Văn Lai. (Ảnh gia đình cung cấp) |
Đó là một chiều ngày 29 tháng Chạp, giáp Tết. Khoảng 4h chiều, 15 đồng chí thuộc đội 5 Biệt động Sài Gòn đã lần lượt đến hầm 287/70 Nguyễn Đình Chiểu - hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn để lấy vũ khí, chuẩn bị cho trận chiến tấn công Dinh Độc Lập. Trong lúc mọi người chuẩn bị vũ khí ở dưới hầm, chồng bà ở trên hầm, giả vờ kéo bàn ghế gây tiếng động, át đi tiếng tháo, lắp vũ khí ở dưới.
Trong ký ức bà vẫn còn nhớ như in hình ảnh cuộc chia tay ngậm ngùi trước đó. Lúc đó khoảng 3h chiều, ông Lai về chỗ mẹ con bà đang ở (số 720 Võ Di Nguy, nay là 752A Nguyễn Kiệm, Phường 4, quận Phú Nhuận). Ông vội vã lái chiếc ôtô hiệu Citroen NCE-345 vào nhà, ẵm hai đứa con nhỏ, ôm hôn chúng rồi nói: "Ba đi, ba sống thì có con có cha, ba hy sinh rồi thì thôi đành...". Ông bỏ lửng câu nói, lúc đó bà như chết lặng. Bà hiểu được sẽ có ngày như thế này nhưng sao giờ phút tạm biệt, bà lại thấy ngậm ngùi khi thấy các con còn bé quá.
"Nhà tôi đọc mấy câu thơ, bảo tôi học thuộc chứ không được ghi ra giấy. Ông dặn học thuộc để lỡ nếu ông có mệnh hệ nào, mẹ con tôi còn biết đường tìm về quê ở Thái Bình. Ông còn nói tôi nếu ông không trở về, tôi hãy ráng nuôi con, khi đất nước hoà bình, thống nhất thì cho con về với quê cha đất tổ", bà Thiệp trùng xuống, giọng như nghẹn lại.
Chia sẻ với PV, bà bảo, bao nhiêu năm theo ông, cùng ông làm cách mạng, ông bảo gì bà cũng nghe theo và dốc hết lòng, hết sức để phục vụ công việc của chồng. Nhưng lần này bà cố dằn lòng, biết lần này ông đi là nguy hiểm.
Và rồi giây phút đó cũng đã tới. Sáng sớm 31.1.1968, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân, quân ta đồng loạt tấn công bất ngờ vào nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế…
"8 người trong số 16 người đã hy sinh tại chỗ, 7 người bị bắt vào sáng mồng 3 tại một căn nhà đang xây dở trên đường Thủ Khoa Huân. Chồng tôi là người duy nhất trong nhóm đã thoát được ra ngoài khu", bà Thiệp im lặng một hồi.
Rồi bà kể về những năm tháng đã giả làm vợ bé, cùng ông đi mua nhà, cùng ông đào hầm, vận chuyển vũ khí..., những ngày tháng bà sống trong những giờ phút căng thẳng nhưng luôn giữ được bình tĩnh, với niềm tin chiến thắng.
Giả danh nhân tình của tỷ phú Mai Hồng Quế
Năm 1962, ông Trần Văn Lai và người vợ đầu là liệt sĩ Phạm Thị Chinh (SN1930 -1964) nhận lệnh xây dựng hầm vũ khí ngay tại nội thành, xây dựng hầm nằm tại chỗ và có đủ các điều kiện để tạo nên một hầm vũ khí thật lớn, đảm bảo lâu dài và tuyệt đối bí mật. Cũng trong khoảng thời gian này, những người dân sống tại phố Võ Di Nguy (thuộc quận Phú Nhuận bây giờ) thường xuyên thấy ông Mai Hồng Quế, một ông chủ thầu khoán giàu có nhưng phải đến ở ngoại thành vì đã dám "qua mặt" vợ cả, dan díu với cô người ở kém mình đến 20 tuổi rồi lấy làm vợ bé.
"Tôi đóng vai nhân tình của ông, cùng ông đi mua nhà trong các con hẻm. Ai hỏi ông cũng nói mua nhà cho vợ bé để lấy cớ đi lại mà không bị ai nghi ngờ. Mua nhà nhỏ trong hẻm để che giấu, ngụy trang cho dễ dàng nhưng chúng tôi cũng chọn những ngôi nhà mà xe hơi phải vào được", bà Thiệp kể.
Cũng đi khắp các ngóc ngách trong thành phố, có chỗ đặt tiền rồi lại bỏ, và rồi họ tìm được một căn nhà thích hợp trong khu vực xóm ve chai (giờ là hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu) mới mua 3 căn nhà liền kề là 287/68-70-72 để đào hầm. Thời đó, hẻm đó toàn dãy nhà lụp xụp, đông người Hoa sống, họ buôn bán nhỏ nên người ta ít để ý.
Mua nhà xong, để giữ bí mật, ông phải tự tay làm tất cả, từ đào, xây dựng hầm đến xử lý đất đá… ông chỉ lấy lý do cần sửa lại hầm nước nên kêu thợ đào cho có, sau đó tự tay làm tiếp. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, ông ngày đêm nghĩ kế, có khi đang ngủ cũng bật dậy suy nghĩ việc thiết kế xây dựng để làm sao để được số vũ khí ở dưới hầm lâu mà không bị sét, thuốc nổ vẫn khô ráo nhằm chuẩn bị cho các trận đánh lớn mà lúc đó chưa biết bao giờ mới diễn ra. Cái khó nữa là làm sao để người xuống ở dưới hầm được mà không bị ngộp, làm sao khi chiến đấu thoát ra ngoài không ai biết...? Dù vậy, ông Lai đã quyết tâm.
Cứ mỗi chiều, ông chở cô “vợ bé” về, đóng cửa "tâm sự". Cánh cửa đóng chặt, là lúc ông chui xuống đào hầm còn bà ở trên nhận đất. Cứ thế đến sáng sớm, ông lái xe hơi cùng “vợ bé” rời đi, trong xe giấu những bao tải đựng đầy đất đá. Ròng rã như thế đến tháng 3.1966, căn hầm được đào xong mà không một ai hay biết.
Hệ thống hầm bí mật bao gồm hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất với sức chứa trên 10 người, có bậc lên xuống, có chỗ thông hơi để người xuống ở thở được và không bị ngộp, có đường cống ngầm ăn thông từ sau ra trước và từ trước ra sau, có nắp lỗ ga để tạm rút hoặc chiến đấu với địch; và hệ thống hầm nổi trên trần nhà có chốt khóa, dây thừng và móc câu để khi vào hầm là đóng nắp, khóa chốt lại rồi di chuyển qua các nhà kế cận hoặc xuống đất rút lui an toàn. Cửa hầm và nắp hầm đúc bằng khuôn sắt dày và khít, diện tích 6 viên gạch bông 20x20 hình chữ nhật được bịt kín, nằm ngay vị trí phòng khách giữa nhà, nếu không được báo trước thì không một ai có thể tìm ra được miệng hầm.
Cũng trong thời gian này, dưới vỏ bọc nhà thầu khoán trong Dinh Độc lập, ông Lai đã nghiên cứu vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra, canh gác của binh lính, sau đó ngụy trang và vận chuyển thành công ra quân khu. Đồng thời ông lấy được toàn bộ bản đồ đường cống ngầm Sài Gòn, cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ, đánh ký hiệu thứ tự, rồi ngụy trang bọc dưới đệm xe và bánh xe ôtô chuyển ra Quân khu tuyệt đối an toàn.
Cuối năm 1967, khi có kế hoạch tấn công, các đồng chí chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định mới về kiểm tra hầm, xem xét bảo đảm mới quyết định cho chở vũ khí về hầm. Giai đoạn này, quân Mỹ kiểm tra rất gắt gao xe cộ trong nội thành.
Chiếc xe ông Trần Văn Lai đã từng lái, chở vũ khí vào căn hầm bí mật. (Ảnh gia đình cung cấp) |
"Vì chồng tôi là thầu xây dựng trong Dinh nên quân Mỹ-Nguỵ ít khi khám xét. Nhận vũ khí xong, ông lái xe vòng qua các một số con phố trước khi cho xe vào nhà. Vì miệng hầm rất nhỏ, chỉ vừa một người leo xuống, nên lúc thì tôi ở dưới, ông vận chuyển từ trên hoặc ngược lại. Mỗi lần chuyển từng khẩu súng, từng quả đạn, thuốc nổ C4… rất cẩn thận vì chúng tôi ý thức một khẩu súng, một viên đạn hồi đó đâu dễ gì mang vào được", bà kể.
Những ngày cuối cùng giáp Tết, cũng có lúc, bà phải nguỵ trang trên xe là đầy các giỏ dưa hấu, cà chua, hay chậu trồng hoa mai. Căn hầm vũ khí mang tính chiến lược có sức chứa 2,5 tấn vũ khí, an toàn tuyệt đối, là một trong những yếu tố quyết định để lực lượng biệt động Sài Gòn đánh vào mục tiêu Dinh Độc Lập và chi viện cho các mục tiêu khác.
Cận cảnh chiếc xe. (Ảnh gia đình cung cấp) |
Cuộc tổng tiến công lịch sử
Đêm 30 và 31.1.1968 – đêm mồng Một rạng mồng Hai Tết Mậu Thân, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác trên toàn miền Nam (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn...) làm cho Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Ngay đêm tiến công đầu tiên tại Sài Gòn, các đội biệt động cảm tử của Giải phóng quân đã nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất: Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu.
Cuộc Tổng tiến công đã gây tiếng vang tại Mỹ và trên toàn thế giới. Chiến dịch này đã tạo bước ngoặt, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, xuống thang chiến tranh tiến tới rút quân về nước.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Trần Văn Lai tiếp tục ở Sài Gòn củng cố lại cơ sở, gây dựng mạng lưới biệt động thành. Năm 1972, ông bị địch bắt rồi tù đầy cho tới năm 1975. Dù là thương binh hạng 1/4 nhưng ông vẫn cống hiến cho cách mạng tới ngày nghỉ hưu. Năm 2002, ông mất sau thời gian chống chọi với vết thương tái phát, hành hạ thể xác do hậu quả tra tấn của nhà tù Mỹ-Nguỵ trước đây.
"Nhiều năm trôi qua rồi, có những đêm tôi vẫn giật mình. Trải qua những ngày đó, có vững tin, có yêu chồng, một lòng vì cách mạng mới làm được tất cả", bà Thiệp nói, đôi mắt ánh lên một niềm vui.