|
Người Mỹ biểu tình phản đối ông Trump tại New York - Ảnh: AFP |
Trong Thông điệp Liên bang tối 30-1, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có ý định chấm dứt hệ thống xổ số lấy thẻ xanh và chính sách "nhập cư dây chuyền" vốn cho phép một người nhập cư có quốc tịch Mỹ được bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư.
"Thay vì xổ số và trao thẻ xanh một cách ngẫu nhiên cho người nước ngoài bất chấp tài năng, phẩm chất và an toàn của người dân, đã đến lúc nước Mỹ chọn hệ thống nhập cư dựa trên chất lượng - chỉ nhận những người giỏi, muốn lao động, muốn đóng góp, yêu mến và tôn trọng đất nước chúng ta" - ông Trump kêu gọi trong bài diễn văn.
Ngoài ra, thay vì cho phép một người nhập cư bảo lãnh vô số người khác, gồm cả họ hàng xa sang Mỹ, ông Trump đề xuất chỉ cho phép bảo lãnh vợ chồng và con cái chưa đến tuổi trưởng thành.
"Cải cách này thật sự cần thiết, không chỉ cho nền kinh tế mà còn an ninh và tương lai của chúng ta" - Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Dân nhập cư là một đặc sản của nước Mỹ - Ảnh: New York City |
"Ở đâu có cái giá phải trả, ở đó luôn có cơ hội. Quota nhập cư bên xổ số sẽ chuyển sang cho lao động tay nghề cao. Nếu ông Trump áp dụng hệ thống tính điểm, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người nhập cư tài giỏi" Chuyên gia tư vấn nhập cư John Hu tại Hong Kong nhận định |
Đối với một số người nước ngoài đang làm việc và học tập tại Mỹ, những thay đổi đề xuất bởi ông Trump là một điều tích cực.
Cô Gwen Chen là một quản lý marketing người Trung Quốc đang sống và làm việc tại thành phố Seattle cùng chồng - kỹ sư phần mềm của một tập đoàn đa quốc gia. Cô đang hy vọng cải cách nhập cư sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi cấp thẻ xanh cho gia đình cô.
Có được tấm bằng MBA của Đại học Durham, gia đình cô Chen nộp đơn xin cấp thẻ xanh năm 2015, khoảng hai năm sau khi họ chuyển từ Bắc Kinh đến Mỹ sinh sống. Nhưng đến nay họ vẫn đang chờ đợi.
"Quota bảo lãnh thân nhân và lao động tay nghề thấp giảm đi có nghĩa quota cho những người như chúng tôi sẽ tăng lên, chúng tôi sẽ có cơ hội tốt hơn" - cô Chen tỏ ra lạc quan trong cuộc phỏng vấn với báo South China Morning Post của Hong Kong.
"Những người đến từ các nước nhỏ không phải lo chuyện không được chọn... nhưng nếu bạn đến từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc, bạn chỉ có thể cầu nguyện. Tôi nghe chuyện một người Ấn chờ hơn 10 năm để có được thẻ xanh, còn người Trung Quốc có thể mất tới 5 năm" - cô Chen cho biết.
Visa H-1B là thị thực lao động không nhập cư dành cho người nước ngoài tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực ít lao động Mỹ. Kể từ khi nhậm chức năm ngoái, chính quyền ông Trump đã siết loại visa này. Hơn 90% đơn xin visa H-1B xử lý trong năm tài khóa 2017 được chấp nhận, nhưng tỉ lệ đó giảm xuống dưới 85% trong hai tháng đầu năm 2018, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ. |
|
Ông Trump tuyên bố đã đến lúc lựa chọn người nhập cư dựa trên tiêu chí chất lượng |
Sắp tới, nếu cải cách nhập cư của ông Trump được Quốc hội Mỹ thông qua, đó sẽ là tin vui cho người lao động nhưng sẽ là tin buồn cho các quốc gia đang phát triển. Lý do rất đơn giản: chất xám sẽ chảy về vùng trũng, để lại đằng sau những sa mạc khô cằn nhân tài.
"Chính sách mới của ông Trump phản ánh thực tế cạnh tranh dữ dội trong việc thu hút nhân tài khắp thế giới. Đó có thể là một thử thách cho Trung Quốc. Tôi nghĩ Trung Quốc cần đưa ra thêm chính sách ưu đãi càng sớm càng tốt" - ông Wang Huiyao, chủ tịch tổ chức học giả Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa (Bắc Kinh), lo lắng.
Ông Wang cho rằng đề xuất chính sách của ông Trump sẽ rất hấp dẫn nhân tài khắp thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc.
Chuyên gia tư vấn nhập cư John Hu ở Hong Kong thì so sánh cải cách nhập cư của Mỹ giống với các hệ thống của Canada và Úc hiện nay, nơi ứng viên nhập cư được chọn dựa trên tài năng, kinh nghiệm, đóng góp cho nền kinh tế và nhu cầu lao động trong lĩnh vực đó.
"Ông Trump đúng ở chỗ Mỹ cần phải khắt khe hơn khi lựa chọn cư dân mới. Ông ấy đã đưa Mỹ trở về đúng con đường, phù hợp với chính sách 'Nước Mỹ trên hết'" - ông Hu đánh giá.
Theo TTO