Bệ đỡ để cá nhân cầm quyền không giới hạn

Thứ năm, 01/03/2018, 09:44
Quân đội Trung Quốc vừa lên tiếng ủng hộ đề xuất gây tranh cãi của Đảng Cộng sản nước này về việc bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước, mở đường để cá nhân nắm quyền không giới hạn.

Người dân đi qua tấm poster hình Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên một tuyến phố ở Bắc Kinh ngày 26/2.

Kế hoạch sửa đổi hiến pháp Trung Quốc, bao gồm việc loại bỏ phần nói về giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước và phó chủ tịch nước là “phù hợp với các quan điểm lý luận chính và những chính sách chủ chốt trong Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc… và phản ánh những thành tựu mới, kinh nghiệm và nhu cầu của Đảng cũng như sự phát triển của đất nước”, nhật báo PLAthuộc quân đội Trung Quốc viết trong bài viết đăng trang nhất hôm 27/2. Tờ báo này cũng gọi kế hoạch trên là bước đi “rất cần thiết và đúng thời điểm”.

Lý thuyết chính trị của ông Tập, tức “Tư tưởng Tập Cận Bình”, sẽ được bổ sung vào hiến pháp theo đề xuất, và cơ quan chống tham nhũng mới là Ủy ban giám sát quốc gia sẽ được gọi là một cơ quan nhà nước, hãng thông tấn Xinhua đưa tin. Những sửa đổi này dự kiến được thông qua tại kỳ họp quốc hội thường niên khai mạc vào tuần tới.

Dù những thay đổi này không gây ngạc nhiên cho giới quan sát Trung Quốc, nhưng việc công bố sớm khi ông Tập vừa bước vào nhiệm kỳ 2 nằm ngoài dự kiến của nhiều người. Các chuyên gia đánh giá đây là nỗ lực mới nhất của ông Tập nhằm tiếp tục củng cố quyền lực và bảo đảm sự tiếp nối của những chính sách như chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ mà từ đó nhiều quan chức quân đội cấp cao như Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, phải vào tù.

Sau khi hai nhân vật này “ngã ngựa”, các bài xã luận của báo chí nhà nước Trung Quốc lên án họ và những nhân vật cấp cao khác trong quân đội vì gây ra “những vấn đề kỷ luật và chính trị”, rằng họ là một phần của những phe phái hình thành để chống lại lãnh đạo cấp cao nhất.

Từng nói rằng hối lộ và tham nhũng nằm trong những vấn đề làm xói mòn tinh thần, ông Tập khẳng định muốn đưa quân đội Trung Quốc trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại, có thể bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc vào thời điểm tranh chấp gia tăng với các nước ở Đông Nam Á, trước đối thủ lớn là Ấn Độ và
Nhật Bản.

Tuy nhiên, đã có những phản ứng mạnh đối với đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ, trong đó có một số học giả Trung Quốc. Trong một lá thư mở gửi đến Quốc hội Trung Quốc đầu tuần này, ông Li Datong, cựu biên tập viên của China Youth Daily (Nhật báo Thanh niên Trung Quốc) kêu gọi các đại biểu Quốc hội phủ quyết đề xuất bỏ nhiệm kỳ mà ông Li gọi là “gieo mầm hỗn loạn cho Trung Quốc”. Ông Li nói rằng, giới hạn 2 nhiệm kỳ, áp dụng từ năm 1982, phản ánh “những đau khổ to lớn của Cách mạng Văn hóa” và là “một trong những di sản chính trị quan trọng nhất của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình”, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin hôm qua.

Và dù thay đổi này có thể giúp Bắc Kinh lấp vào khoảng trống lãnh đạo toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump để lại cũng như thúc đẩy sáng kiến thương mại và hạ tầng mang tên “Vành đai Con đường” của ông Tập, nhưng chính sách tập trung quyền lực vào một người cũng có thể gây ra những hệ lụy quốc tế, đặc biệt với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, báo South China Morning Post bình luận.

Khó tránh xung đột với Mỹ

Những diễn biến trên dẫn đến một nhận định chung tại Washington rằng xung đột Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi khi ông Tập tiếp tục các chính sách hiện nay, và Washington nên tìm cách quản lý bất kỳ xung đột bùng phát nào giữa hai nước.

“Ngay cả với những người lạc quan nhất, hy vọng hay lãng mạn nhất về quan hệ Mỹ - Trung cũng buộc phải đối đầu với một Trung Quốc mới”, ông Kurt Campbell, kiến trúc sư của chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Barack Obama, nhận định.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc tổ chức Asia Society, cho rằng, việc ông Tập củng cố quyền lực làm trầm trọng hơn đường đứt gãy vốn đã tồn tại giữa Trung Quốc với Mỹ. Ông Schell nói rằng sự vỡ mộng với Trung Quốc bắt đầu từ lâu trước khi ông Tập củng cố quyền lực trong Bộ Chính trị. Đó là những hành động của Trung Quốc trên biển Đông, nỗ lực tác động vào các trường đại học Mỹ, đánh cắp bí mật của các tập đoàn Mỹ…

Cách ứng xử của ông Trump với Trung Quốc không chỉ cho thấy chương trình nghị sự chú trọng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chính sách đối ngoại “Mỹ là trên hết” mà còn cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ miễn cưỡng trong việc gây thù hận với cá nhân ông Tập. Dù chỉ trích nặng nề Trung Quốc về thương mại, ông Trump đến nay vẫn chưa triển khai một biện pháp trừng phạt thương mại lớn nào với nước này. Ông Trump cũng tránh gắn mác cho Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vì nói rằng chưa đúng thời điểm, khi ông Tập đồng ý giúp Mỹ gây sức ép để buộc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa.

“Đến nay, rõ ràng là Chủ tịch Tập sẽ không đi đâu cả, cứng rắn với Trung Quốc càng trở nên cấp thiết hơn. Nếu Tổng thống Trump và Quốc hội không đối phó với cách làm thương mại tham lam của họ, Trung Quốc sẽ tiếp tục ăn mất bữa trưa của chúng ta trong những năm tới”,New York Times dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn