Tài xế Grab lấy ví tiền của khách: Gia đình khách hàng sẽ bãi nại

Thứ năm, 01/03/2018, 11:39
Gia đình hành khách T.D.N đã phải nhờ tới cơ quan điều tra để xác định tài xế Grab N.D.T lấy ví tiền bỏ quên, nhưng cho biết sẽ bãi nại không kiện tài xế do hoàn cảnh anh này đơn thân, nuôi con nhỏ.

Tài xế Grab đã thừa nhận lấy ví tiền, nhưng gia đình hành khách quyết định bãi nại vì lý do nhân đạo

Trao đổi với Thanh Niên, chị N.L.D, mẹ hành khách T.D.N, cho biết Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hà Nội, đã điều tra và xác định tài xế Grab N.D.T lấy ví da cá sấu bên trong có hơn 10 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ quan trọng.

Tài xế N.D.T đã khai nhận lấy ví da cá sấu của hành khách T.D.N, nhưng đã vứt ví, chỉ giữ lại giấy tờ và tiền mặt hơn 10 triệu đồng.

Chị N.L.D cho biết, sau khi biết hoàn cảnh tài xế đơn thân, đang phải nuôi một con nhỏ, vì lý do nhân đạo, gia đình sẽ nhận lại tài sản bị mất và quyết định bãi nại không kiện tài xế. Nếu bị khởi tố, tài xế N.D.T có thể bị phạt tù lên tới 3 năm do có dấu hiệu phạm tội "chiếm giữ tài sản trái phép" được quy định tại điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, về phía Grab Việt Nam, khách hàng này cho rằng có hai vấn đề lớn cần được làm sáng tỏ.
Thứ nhất, từ kinh nghiệm của chính bản thân khi vất vả 10 ngày chủ động liên lạc với Grab Việt Nam, tài xế nhưng không nhận được sự trợ giúp nào, buộc phải nhờ đến cơ quan điều tra, theo chị N.L.D, Grab Việt Nam hay các doanh nghiệp khác cùng loại hình hoạt động như Uber, phải có trách nhiệm với chuyến đi và an toàn của hành khách.
Nói cách khác, khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố, Grab Việt Nam phải là đơn vị đứng ra giải quyết tranh chấp giữa tài xế và khách hàng, thay vì đứng ngoài vô can như đang làm hiện nay.
Thứ hai, chị N.L.D cũng cho rằng, việc tài xế đăng ký hoạt động với một hợp tác xã nhưng lại chạy xe cho Grab đang dẫn tới những nhập nhằng về trách nhiệm. “Grab hoạt động lâu dài ở Việt Nam thì cần phải ký trực tiếp với tài xế để đảm bảo hợp đồng lao động, bảo hiểm và khi xảy ra vấn đề cũng dễ quản lý, xử lý trách nhiệm của tài xế hơn”, chị N.L.D nói.
Đáng nói, trong các quy định hiện hành liên quan đến quản lý hoạt động của Grab như Quyết định thí điểm số 24, Nghị định 86 và Nghị định 86 sửa đổi, Thông tư 63 của Bộ GTVT đều không có quy định trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ là Grab trong trường hợp như thế này.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, cho biết sẽ xem xét lại các quy định liên quan.
Trước đó, chiều tối 18.2, hành khách T.D.N đã book xe Grab từ Kim Mã về khu đô thị Ciputra (Hà Nội), sau khi phát hiện quên ví da cá sấu đã điện thoại và nhắn tin nhưng tài xế không phản hồi, sau đó còn chặn số, tắt máy. Gia đình hành khách T.D.N đã liên lạc nhiều lần với nhân viên Grab nhưng cho biết không nhận được hỗ trợ tích cực, nên đã quyết định báo cơ quan công an điều tra.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn