Eximbank nói gì sau khi hai nhân viên bị bắt giữ?

Thứ ba, 27/03/2018, 09:14
Theo lãnh đạo Eximbank, hai nhân viên bị bắt sáng 26/3 đã vi phạm quy định về lập ủy quyền, chứng từ dẫn đến mất 245 tỷ đồng.

Ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị, Luật sư trưởng của Eximbank cho biết, đã chỉ định luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân viên bị công an bắt giữ vì cho rằng có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm.

Ông Ngô Thanh Tùng cho biết, hai nữ nhân viên đã xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt khách hàng Chu Thị Bình.

Sáng nay, tại chi nhánh Eximbank TP.HCM, cơ quan công an đã khám xét và bắt giữ những cán bộ thuộc bộ phận nào?

Vào lúc 8h30 sáng 26/3, có hai nhân viên ngân hàng là Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi, một thanh toán viên và một kiểm soát viên, bị bắt tạm giam theo lệnh của Cơ quan cảnh sát điều tra.

Lý do công an thực hiện lệnh bắt giữ hai cán bộ này là gì, thưa ông?

Theo quyết định khởi tố, các nhân viên này đã thực hiện không đúng các quy định của Eximbank về trình tự, thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ cho khách hàng rút tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Theo chúng tôi được biết, các nhân viên này đã có sai sót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt của khách hàng là bà Chu Thị Bình và bà Nguyễn Thị Hồng Lê, mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra đã xác nhận chữ ký ủy quyền của bà Chu Thị Bình - bên ủy quyền là có thật và chữ ký của bên được ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lê, cô ruột của vợ bị can Lê Nguyễn Hưng là giả, do Hưng ký chứ không phải bà Lê. Trên thực tế, bà Chu Thị Bình cũng tự mình ký lệnh chuyển tiền vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê vào ngày 28/7/2014.

Thông tin ban đầu cho thấy, các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có.

Liên quan đến vụ mất tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình cũng như vụ mất tiền 50 tỷ đồng của 6 khách hàng tại Nghệ An, đến nay phía ngân hàng đã có phương án giải quyết gì mới?

Chúng tôi sẽ giải quyết theo phương án sau đây. Nếu khách hàng mất tiền do lỗi của ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng không có chữ ký và tham gia của khách hàng, chúng tôi sẽ chi trả ngay. Trường hợp có chữ ký của khách hàng, việc tham gia của khách hàng trong vụ việc phải được làm rõ bởi cơ quan pháp luật và có phán quyết cuối cùng về trách nhiệm mỗi bên. Có các trường hợp chúng tôi đã tất toán, có đầy đủ chữ ký của khách hàng, nếu khách hàng vẫn cứ đòi và đưa ra công luận để tạo áp lực, chúng tôi sẽ tiến hành các bước pháp lý bảo vệ quyền lợi ngân hàng.

Việc bắt giữ này cùng với các diễn biến mất tiền gần đây sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng như thế nào?

Đây là vụ việc phức tạp, chúng tôi tin cơ quan pháp luật sẽ làm rõ những ai tham gia tạo cơ sở cho Hưng vi phạm pháp luật chứ không chỉ là vấn đề pháp lý của các nhân viên sai sót về trình tự, thủ tục.

Chúng tôi ngoài trách nhiệm với khách hàng còn phải có trách nhiệm với các cán bộ công nhân viên của mình, nhằm đảm bảo công bằng và theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi đã chỉ định luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công nhân viên liên quan. Ai sai phạm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó, tránh oan sai. Chúng tôi quyết tâm làm rõ vụ việc, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những người liên quan với phương châm mọi người bình đẳng trước pháp luật.

Việc bắt giữ này ảnh hưởng đến trước nhất là đời sống riêng tư và gia đình của các nhân viên, họ cần được quan tâm. Anh chị em cán bộ công nhân viên khác cần được quan tâm giúp đỡ vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý.

Theo VNE

Các tin cũ hơn