|
Ảnh vệ tinh cho thấy trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh của Syria bị không kích hôm 14/4. |
Lầu Năm Góc trong tuần này khẳng định, hệ thống phòng không của Syria “hoàn toàn vô dụng” trước cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp. Cụ thể, Lầu Năm Góc cho biết, hệ thống phòng không của Syria đã phóng tổng cộng 40 tên lửa, trong đó 2 tên lửa để đánh chặn nhưng đều trượt mục tiêu, 38 tên lửa còn lại phóng khi cuộc không kích đã kết thúc. Các tên lửa đánh chặn của Syria dường như không có hệ thống dẫn đường, giới chức Lầu Năm Góc nhận định.
Năng lực quân sự Syria suy giảm
Christopher Kozak, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu chiến tranh, bình luận sự thất bại này cho thấy năng lực quân sự của Syria dường như suy giảm và cũng cho thấy mức độ phụ thuộc của Syria vào Nga và Iran.
Để bảo vệ không phận, quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad được cho là đã sử dụng các hệ thống phòng không do Liên Xô hoặc Nga sản xuất như S-200, Pantsir-S1.
S-200 do Nga sản xuất vào khoảng những năm 1960 là một tổ hợp phòng không được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu chiến lược khỏi máy bay ném bom tầm xa, tầm cao. S-200 hiện là xương sống của lực lượng phòng không Syria. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra, điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh.
Pantsir-S1 là tổ hợp phòng không hiện đại hơn. Tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.
Hãng tin USA Today dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, Syria được trang bị hệ thống phòng không tương đối hiện đại, tuy nhiên lại thiếu sự đào tạo, huấn luyện, vận hành, điều khiển và các yếu tố con người khác. Điều này có thể là lý do khiến hệ thống phòng không Syria “bất lực” trước cuộc không kích của phương Tây.
“Vấn đề không chỉ nằm ở năng lực của hệ thống phòng không. Vấn đề chính nằm ở yếu tố con người, những người trực tiếp vận hành hệ thống đó”, David Deptula, một tướng 3 sao đã về hưu của Không quân Mỹ, nhận xét.
Quân đội Syria bị cho là suy yếu đáng kể sau 7 năm nội chiến. Quân đội Syria gần đây giành lại quyền kiểm soát một số khu vực từ tay phiến quân chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran. Năm ngoái, vào thời điểm Mỹ không kích bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Shayrat, chính quyền Tổng thống Syria được cho là đã thừa nhận hệ thống phòng không của nước này đã bị phá hủy một nửa do nội chiến.
Chỉ vài năm trước đó, Lầu Năm Góc còn mô tả hệ thống phòng không của Syria là hệ thống có khả năng thách thức các lực lượng của Mỹ.
Năm 2013, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ khi đó là ông Martin Dempsey nói rằng, Mỹ phải cân nhắc phương án lập vùng cấm bay ở Syria để bảo vệ lực lượng do hệ thống phòng không Syria “đáng gờm”. “Ý tôi không phải là chúng ta không thể khắc chế hệ thống đó, nhưng đó sẽ là một thách thức lớn hơn, tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn”, ông Dempsey nói.
Một cuộc tấn công "choáng ngợp"
Ngoài sự suy giảm năng lực này của quân đội Syria, giới chuyên gia cũng chỉ ra một lý do khác khiến hệ thống phòng không Syria bất lực trước cuộc tấn công của phương Tây.
Họ cho rằng, các tên lửa hành trình của liên quân bay ở tầm thấp, phát ra rất ít nhiệt lượng do vậy tên lửa đánh chặn của Syria khó phát hiện. Mặc khác, tên lửa hành trình có khả năng chuyển hướng giữa hành trình nên khiến hệ thống phòng không Syria càng khó theo dõi và khóa mục tiêu, chưa kể đến việc hơn 100 tên lửa của liên quân phóng gần như đồng thời vào các mục tiêu ở Syria.
“Hệ thống phòng không của Syria đã bị choáng ngợp bởi hơn 100 tên lửa phóng về gần như cùng lúc”, Michael Pregent, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Hudson, nhận định. Theo chuyên gia này, thông thường mỗi tổ hợp chứa vài chục tên lửa, việc nạp mới phải mất cả tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, gần như chắc chắn rằng, quân đội Mỹ sẽ tìm cách gây nhiễu hệ thống radar của đối phương khi tiến hành không kích để gây khó khăn cho đối phương khi triển khai hệ thống đánh chặn.
Theo Dân Trí