Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Mai, Công ty Luật Trương Anh Tú về vụ bán 32ha đất công sản giá "bèo" xảy ra tại dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Luật sư Nguyễn Mai cho biết, việc Thành uỷ TP.HCM yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn của Thành ủy) đàm phán với Công ty Quốc Cường Gia Lai để huỷ hợp đồng bán lô đất công tại khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đang được dư luận rất quan tâm bởi số tiền chênh lệch “khủng” giữa giá trị thực tế của diện tích đất với giá chuyển nhượng giữa đôi bên.
Công ty Tân Thuận có 100% vốn Thành uỷ TP.HCM, do đó chủ sở hữu vốn Nhà nước có quyền quyết định dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2014 |
Ngày 5/6/2017, Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất hơn 30ha đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m². Ngày 27/12/2017, khi có thông tin, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo cho Thường trực Thành ủy, tiếp đó Thành uỷ yêu cầu Công ty Tân Thận đàm phán để huỷ hợp đồng với công ty Quốc Cường Gia Lai.
Công ty Tân Thuận có 100% vốn Thành uỷ TP.HCM, do đó chủ sở hữu vốn Nhà nước có quyền quyết định dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong trường hợp này, Thành uỷ TP.HCM là đại diện chủ sở hữu vốn sẽ có quyền quyết định các dự án đầu tư phát triển của Công ty Tân Thuận, tuy nhiên Công ty Tân Thuận đã không có báo báo cho tập thể Thường trực thành uỷ và tập thể Ban Thường vụ Thành uỷ là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Quy chế quản lý tài sản của Thành uỷ.
Mặt khác, phần diện tích đất chuyển nhượng là đất đã được đền bù do đó diện tích đất này thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà Nước, việc chuyển nhượng sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, công ty Tân Thuận cũng không báo cáo tập thể về việc chuyển nhượng diện tích đất công, việc chuyển nhượng mang lại hiệu quả thất, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng so với giá trị thực tế.
"Như vậy, việc chuyển nhượng của Công ty Tân Thuận đã vi phạm nguyên tắc “có hiệu quả, công khai minh bạch” trong quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Điều 6, Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017", luật sư Nguyễn Mai khẳng định.
Liên quan đến việc xử lý hợp đồng giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai, "Bên Công ty Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền và quản lý sử dụng diện tích đất. Do đó theo quy định của Bộ luật dân sự thì hợp đồng giữa hai bên đã hoàn thành", luật sư Mai nói.
Người dân thở dài khi dự án vẫn là vùng cỏ mọc um tùm |
Luật sư Nguyễn Mai cho rằng, cần làm rõ vấn đề: Công ty Tân Thuận có quyền chuyển nhượng diện tích đất nêu trên hay không? Trong trường hợp Công ty Tân Thuận có quyền chuyển nhượng diện tích đất này và hợp đồng giữa hai bên đã hoàn thành thì việc Thành uỷ yêu cầu huỷ hợp đồng nêu trên là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu Thành uỷ mà đại diện là Công ty Tân Thuận đề xuất huỷ bỏ hợp đồng và Công ty Quốc Cường Gia Lai chấp thuận đề xuất, thì thoả thuận giữa hai bên liên quan đến việc huỷ bỏ hợp đồng là tự nguyện và có căn cứ để thực hiện.
Trong trường hợp Công ty Tân Thuận không có quyền chuyển nhượng diện tích đất nêu trên thì hợp đồng giữa hai bên sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 117, Bộ luật dân sự về Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu sẽ tuân theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự.
"Việc Thành uỷ TP.HCM đã có yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán để huỷ hợp đồng, đây được xem là một nỗ lực của Thành uỷ trong việc thu hồi tài sản nhà nước. Tuy nhiên điều này cũng không thể xoá bỏ trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp đối với sai phạm trong “thương vụ mua bán” này", luật sư Nguyễn Mai phân tích.
Theo Dân Trí