Hoàn tất thông tin cá nhân trên thuê bao di động: Cập rập, phiền hà thủ tục

Chủ nhật, 22/04/2018, 13:12
Suốt cả năm qua đủng đỉnh, đến hạn mới "vắt chân lên cổ", dẫn đến quá tải, gây phiền toái cho khách hàng mà vẫn không hoàn tất nổi

Gần đến thời hạn 24-4-2018 các thuê bao di động phải có đầy đủ thông tin cá nhân theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các nhà mạng, người dùng đang phải tất bật để hoàn tất thủ tục. Phần đông người dùng cho rằng yêu cầu bổ sung ảnh chân dung thật sự gây phiền toái và thời hạn quá ngắn.

Do phát triển thuê bao quá nhanh

Ngày 24-4-2018 là hết thời hạn 1 năm để các nhà mạng di động hoàn tất việc thu thập thông tin thuê bao theo quy định của Nghị định 49. Tuy nhiên, nghị định này có hiệu lực từ ngày 24-4-2017. Để tạo thuận lợi cho các nhà mạng và người dùng, Chính phủ đã cho thời hạn 1 năm qua để hoàn tất việc bổ sung thông tin thuê bao. Sau đó, biện pháp xử lý khóa 1 chiều rồi khóa 2 chiều và vĩnh viễn đối với các thuê bao không chấp hành mới bắt đầu được tiến hành.

Đáng lẽ trong 1 năm qua, các nhà mạng phải lo tìm cách bổ sung đầy đủ thông tin cho các thuê bao chưa cung cấp đầy đù thông tin đăng ký trước khi có nghị định này. Thực tế không phải như vậy. Sim rác, sim khuyến mãi, thuê bao không có hồ sơ đăng ký vẫn nhan nhản và đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải trong thời gian nước rút cuối cùng. Rõ ràng không thể phủ nhận trách nhiệm của các nhà mạng trong cơn sốt cạnh tranh phát triển thuê bao bằng mọi giá.

Trong những tuần lễ cuối cùng chạy nước rút, các nhà mạng dù đã nỗ lực nhưng vẫn lâm vào tình trạng quá tải. Số lượng thuê bao tới các điểm dịch vụ ngày càng đông hơn. Ứng dụng di động và internet cho việc đăng ký bổ sung thông tin và hình ảnh của cả MobiFone, VinaPhone và Viettel đều chập cheng, thường xuyên báo lỗi. Không rõ nguyên nhân chính là do lỗi ứng dụng hay do mạng bị quá tải.

Thật ra, điều vướng nhất và gây trở ngại chính là yêu cầu phải có ảnh chân dung của chủ thuê bao. Chính điều này làm cho toàn bộ các thuê bao trả sau và trả trước đang hoạt động từ trước khi có Nghị định 49 đều trở thành đối tượng phải bổ sung, cho dù khi ký hợp đồng đã có đầy đủ thông tin cá nhân, mà chỉ thiếu mỗi cái ảnh chụp mới sinh ra quy định sau này.

Báo Nhân Dân (ngày 14-4-2018) dẫn lời bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm.

Việc chụp ảnh chân dung là nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết qua CMND do người đăng ký thuê bao mới hoặc người cần bổ sung thông tin mang đến có đúng là của người đăng ký thuê bao hay không? Đây là chính các nhà mạng tròng dây thừng 2 vòng vào cổ mình và thuê bao.

Việc bổ sung thông tin bằng chữ cực kỳ đơn giản, cả về phương tiện lẫn đường truyền mạng. Nhưng còn việc dùng hình ảnh thì nhiêu khê và tốn kém. Dung lượng trung tâm lưu trữ dữ liệu cũng phải phình to. Càng thêm thông tin, nhiều định dạng thì càng thêm gánh nặng và nguy cơ an ninh, bảo mật.

Hoàn tất thông tin cá nhân trên thuê bao di động: Cập rập, phiền hà thủ tục - Ảnh 1.
Thời hạn bổ sung thông tin cá nhân đầy đủ theo Nghị định 49 xem ra khó hoàn thành như cam kết của các nhà mạng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thời đại 4.0 mà thủ tục cứ như thời thủ công

Tới thời hạn 24-4-2018, số thuê bao di động chưa hoàn tất thông tin cá nhân vẫn còn đông tới hàng chục triệu người. Không nhà mạng nào muốn mất đi thuê bao, đặc biệt trong thời buổi siết chặt phát hành sim như bây giờ. Vì vậy, dựa trên thực tế, phải chăng các nhà mạng cần kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cho phép kéo dài thêm thời hạn hoàn tất thông tin cá nhân và đưa ra những biện pháp để có thể bảo đảm thời hạn đó.

Đặc biệt là có thể nới lỏng thời hạn đối với các thuê bao trước đây đã ký hợp đồng nghiêm túc, cung cấp đầy đủ thông tin mà giờ chỉ thiếu ảnh chân dung "trên trời rơi xuống". Trong thời gian nóng này, chỉ nên tập trung cho số thuê bao - chủ yếu là trả trước - chưa hoàn tất thông tin theo quy định.

Đối với các thuê bao đang hoạt động, các nhà mạng nên tạo tiện lợi tối đa cho chủ thuê bao mà không nhất thiết cứ phải tới tận cửa hàng. Thậm chí trong những trường hợp đặc biệt, như với người già yếu hoặc bệnh tật, nhà mạng có thể cử nhân viên tới tận nhà phục vụ. Ở những vùng sâu, vùng xa, nhà mạng nên có những nhóm chăm sóc lưu động tới tận nơi.

Có thể nói, các thuê bao hầu như không có lỗi gì trong việc thiếu thông tin người dùng. Bởi do quy định chụp hình chân dung mới được đưa ra từ ngày 24-4-2017 trong khi các thuê bao đã hoạt động từ trước đó. Tất nhiên, quy định khi đã có hiệu lực pháp lý thì các thuê bao dù có bực bội vẫn phải hoàn tất thủ tục để sử dụng dịch vụ. Chỉ có điều, không thể tin nổi với các nhà mạng di động đã lên tới 4G và chuẩn bị cho 5G rồi, cũng như trong thời cách mạng công nghệ 4.0 này mà mọi thủ tục cứ như thời thủ công. Làm phiền nhau chính là ở cái chỗ này.

Liên quan đến Nghị định 49, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết do ở nước ta chưa có cơ sở dữ liệu công dân, trong khi các nước khác có cơ sở dữ liệu công dân thì chỉ cần đưa CMND đến đối chiếu là có đủ hết, do đó cần có biện pháp khác hữu hiệu hơn và Nghị định 49 là để khắc phục điều này. Với việc chụp ảnh, khi có CMND chính chủ, có thể lấy ảnh CMND còn trong hạn sử dụng làm ảnh chụp. Với các thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thêm các cơ sở dữ liệu còn thiếu, cần tìm cách linh hoạt nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Đại diện các nhà mạng cho biết sẽ tăng cường tối đa nhân lực, kỹ thuật tại các điểm giao dịch cũng như bộ phận xử lý trên website, ứng dụng để giúp người dùng có thể bổ sung ảnh chân dung, thông tin cá nhân nhanh hơn, đúng thời hạn.

Lo lộ thông tin cá nhân

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay mà nhiều người dùng đang quan tâm là việc cập rập bổ sung thông tin cá nhân qua website, qua ứng dụng, tại các đại lý… hoàn toàn có thể làm lộ, lọt thông tin người dùng ra ngoài. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng ATHENA, cho biết: "Việc bổ sung thông tin tuy gây phiền toái cho người dùng nhưng lo ngại về bảo mật thông tin quan trọng hơn.

87 triệu người dùng Facebook bị lộ thông tin mà bản thân họ không hề hay biết đang là đề tài nóng, được đặc biệt quan tâm. Hiện tại, các nhà mạng đang nắm trong tay cơ sở dữ liệu khổng lồ thông tin người dùng. Nguy cơ mất dữ liệu là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Đại diện nhà mạng VinaPhone cam kết quy trình quản lý thông tin thuê bao tại VinaPhone đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của Bộ Thông tin - Truyền thông. VinaPhone khẳng định thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Trần Hoàng Thanh, một chủ thuê bao ở quận Gò Vấp, TP.HCM:

Mất 2 giờ mới xong thủ tục

Tôi nhận được tin nhắn vào tuần trước, phải bổ sung ảnh chân dung trước ngày 24-4, nếu không, sẽ bị ngưng dịch vụ nên vội vàng đi ra điểm giao dịch để bổ sung nhằm không ảnh hưởng đến liên lạc. Mặc dù tôi đi vào giữa tuần nhưng đến điểm giao dịch rất đông người dùng cũng đi bổ sung thông tin như tôi. Tôi đã phải mất hơn 2 giờ chờ đợi bổ sung cái ảnh. Tôi thấy bổ sung thêm ảnh là không cần thiết và thêm rắc rối, phiền hà vì tôi mới làm căn cước công dân, ảnh của tôi trên căn cước là ảnh mới, thông tin cá nhân của tôi cũng đã có trên căn cước.

Ông Trần Văn Hùng, chủ một đại lý kinh doanh sim số ở đường 3 Tháng 2, TP.HCM:

Nên gia hạn thời gian làm thủ tục

Cả tuần nay có vài chục người ghé cửa hàng tôi mỗi ngày để hỏi về bổ sung hình chân dung. Vì không có chức năng tiếp nhận thông tin của khách hàng nên tôi đã phải hướng dẫn họ ra trung tâm chăm sóc khách hàng của nhà mạng để đăng ký. Nhiều người khi đi ra trung tâm chăm sóc khách hàng của nhà mạng đông quá không chờ được đã quay lại nhờ tôi hướng dẫn cách đăng ký qua ứng dụng trên webiste của nhà mạng. Tôi nghĩ nên kéo dài thời gian bổ sung ảnh chân dung chứ cập rập như vầy làm người dùng mệt mỏi thêm.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng ATHENA:

Chỉ cần CMND là đủ

CMND là cơ sở pháp lý để xác minh người dùng. Còn để xác minh thêm nhân thân của một ai đó khi có những nghi ngờ thì nhà mạng có thể phối hợp với cơ quan công an để xác minh. Bằng biện pháp nghiệp vụ, có thể xác định chính xác thuê bao đó đang ở đâu, chỉ cần cơ quan công an phối hợp chặt chẽ với nhà mạng thì công tác xác minh và quản lý sẽ dễ dàng. Như vậy sẽ đỡ cực cho người dân.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích