|
Cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để trao đổi về cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
“Trung Quốc là một nước lớn và nhà lãnh đạo tuyệt vời của nước này là một người bạn của tôi. Tôi tin ông ấy hạnh phúc khi chúng tôi đạt được bước tiến như vậy. Tôi đã nghe tin từ ông ấy. Tôi sẽ sớm gọi cho ông ấy, có lẽ trước khi hạ cánh”, Tổng thống Trump nói.
Theo giới phân tích, mặc dù Trung Quốc không liên quan chính thức tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, song ảnh hưởng của Bắc Kinh lên chính quyền Bình Nhưỡng là điều có thể nhận thấy. Ngoài ra, việc tuyên bố chung Trump - Kim chỉ “mang tính biểu tượng” càng cho thấy rõ vai trò của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
“Tuyên bố chung cho thấy mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn rất lớn và không thể giải quyết chỉ bằng một hội nghị thượng đỉnh”, Cheng Xiaohe, chuyên gia về Hàn - Triều tại Đại học Renmin Trung Quốc, nhận định.
“Nếu không có sự ủng hộ từ Trung Quốc, thực sự rất khó để Mỹ và Triều Tiên có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa và đạt được tiến trình hòa bình. Trung Quốc, cũng như “những người chơi” khác trong khu vực là Nhật Bản và Nga, có thể đóng vai trò nhất định trong những nỗ lực tiếp theo”, chuyên gia Cheng cbo biết thêm.
Điều Trung Quốc mong muốn
|
Chủ tịch Tập Cận Bình đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Liên, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến của các cuộc đàm phán về bán đảo Triều Tiên trùng khớp với những gì Trung Quốc kỳ vọng khi Washington và Bình Nhưỡng cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình sau 70 năm đối đầu, đồng thời hạ nhiệt căng thẳng hạt nhân.
“Trung Quốc không mất gì cả. Mục tiêu của Trung Quốc cũng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Và nếu không có lịch trình rõ ràng hoặc các biện pháp cụ thể để giải giáp vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên, Washington vẫn cần Bắc Kinh nếu nước này muốn tạo thêm sức ép với Bình Nhưỡng”, Deng Yuwen, nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, cho biết.
Ngay cả Tổng thống Trump cũng từng bày tỏ hy vọng rằng cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc phát triển nền kinh tế của Triều Tiên - điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang chờ đợi.
Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc từng căng thẳng suốt một năm sau khi Seoul đồng ý để Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc khiến Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ an ninh, năm 2017, hai nước đã cùng đứng về một phía khi Tổng thống Trump dọa sẽ trút cơn thịnh nộ xuống Triều Tiên khi Bình Nhưỡng thử tên lửa mà nước này tuyên bố có thể phóng tới lục địa Mỹ.
Phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo sau sự kiện lịch sử, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc và mô tả các cuộc tập trận này là “tốn kém” và “mang tính khiêu khích”. Một số nhà phân tích xem đây là chiến thắng lớn của Trung Quốc vì Bắc Kinh lâu nay vẫn chờ đợi giải pháp “đóng băng kép” cho vấn đề Triều Tiên, trong đó Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự để đổi lấy việc Bình Nhưỡng dừng thử vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng quyết định dừng tập trận quân sự với Hàn Quốc của Tổng thống Trump là sự nhượng bộ lớn trước Triều Tiên, trong khi ông Kim Jong-un chưa đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về việc phi hạt nhân hóa mà chỉ tái khẳng định một lời hứa mơ hồ mà ông từng đưa ra với Hàn Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in trước đây.
“Tôi luôn phản đối phương án “đóng băng kép” vì nó xếp các cuộc tập trận Mỹ - Hàn (ổn định, hợp pháp) ngang bằng với các vụ thử vũ khí của Triều Tiên (bất ổn, phi pháp). Bây giờ ông Trump lại lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận này là khiêu khích và đồng ý dừng tập trận mà không vì điều gì sao?”, Abraham M. Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, nhận định.
Vai trò và thách thức của Trung Quốc
|
Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình |
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc ngày càng xem Trung Quốc là nước đóng vai trò to lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Trong một phát biểu trên truyền thông Trung Quốc, Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc về đối ngoại và an ninh quốc gia, nói rằng vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên “sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai”.
Một số nhà quan sát dự đoán Trung Quốc có thể bị gạt ra ngoài lề sau khi Hàn Quốc đề xuất đưa Tổng thống Moon Jae-in tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore và tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên mà không có sự hiện diện của Bắc Kinh. Trước đó, Trung Quốc là một trong ba bên ký vào thỏa thuận đình chiến năm 1953 cùng với Mỹ và Triều Tiên. Về nguyên tắc, nếu các bên muốn chuyển thỏa thuận này thành hiệp ước hòa bình, Trung Quốc phải được tham gia vào quá trình này.
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng Trung Quốc không bị gạt ra ngoài lề. Theo ông, “vấn đề Triều Tiên cho đến nay hầu như tiến triển theo hướng mà Trung Quốc mong muốn và sau hội nghị thượng đinh Trump - Kim tại Singapore, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ còn lớn hơn”.
Mặc dù vậy, giới phân tích cũng cảnh báo về những thách thức lớn đặt ra cho Bắc Kinh khi Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng - mối đe dọa nằm ngay ở cửa ngõ của Trung Quốc.
“Đây là cơ hội để tạo nên bước đột phá, nhưng nếu chúng ta bỏ lỡ nó, liệu ai dám chắc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không quay trở lại?”, Zhu Feng, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định.
Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản bị yếu đi ngay cả khi ông Trump từng tuyên bố xem xét việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn phải chờ xem liệu Triều Tiên có xích lại gần hơn với Mỹ không sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang lo lắng về việc đánh mất đòn bẩy trước Triều Tiên và sợ rằng Mỹ - Triều có thể cùng nhau chống Trung Quốc”, Charles Armstrong, nhà sử học về Triều Tiên tại Đại học Columbia ở New York, nhận định.
Theo Dân Trí