|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Nguồn: Reuters/KCNA) |
Tờ Maeil Business Newspaper có trụ sở tại Seoul cho biết, ông Kim Jong Un đã nói trong một hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc rằng, ông đã nhìn thấy tương lai Triều Tiên “giống với Việt Nam” thời mở cửa.
Năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu đổi mới theo đuổi nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhờ đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong thập kỷ tiếp theo.
Tuy nhiên, theo một nhóm các nhà kinh tế tại Capital Economics, cơ hội để Bắc Triều Tiên đi theo con đường thành công của Việt Nam rất mong manh.
Nguyên nhân là do ngay cả khi nền kinh tế Triều Tiên được mở ra, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ rất thận trọng vì những kinh nghiệm làm ăn trong quá khứ tại Bắc Triều Tiên.
Ví dụ như trường hợp của các công ty Hàn Quốc đầu tư vào khu du lịch Núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong đã bị "đóng băng tài sản" sau khi mối quan hệ song phương giữa 2 miền Triều Tiên trở nên suy yếu.
Bên cạnh đó, một liên doanh của công ty khai thác mỏ Trung Quốc Xiyang đã xây dựng mỏ ở Bắc Triều Tiên cũng đã phải dừng hoạt động sau khi sản xuất chưa đầy một năm.
Nhưng trên hết, các chuyên gia nhận định rằng, không ai có thể chắc ông Kim Jong Un sẽ chuyển hướng sang nền kinh tế mở.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố mà Bình Nhưỡng có thể tận dụng để phát triển kinh tế mở như việc nằm sát các nền kinh tế lớn: Trung Quốc, Nhật Bản.
Ngoài ra, Triều Tiên có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm mà chưa được khai thác như kẽm, sắt và một số kim loại đất hiếm, thường được sử dụng trong các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà phân tích băn khoăn là khi nào các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên mới được dỡ bỏ dù tại cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hai bên đã đưa ra thoả thuận là Bắc Triều Tiên sẽ hướng tới phi hạt nhân hoàn toàn, và Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn.
Theo Dân Trí