Quyền lực kinh tế của các cô gái "ế" ở Trung Quốc

Thứ ba, 19/06/2018, 10:09
Thế hệ các cô gái quyền lực - giàu có, độc thân - có thể là động lực lớn cho sự tăng trưởng của nước này trong thập kỷ tới. 

Một trong những hệ quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc là sự nổi lên của những cô gái có học vấn, có tài sản và nhiều cơ hội mà các thế hệ trước nằm mơ mới có, theo Roseann Lake - tác giả cuốn sách mới đây viết về thách thức mà những phụ nữ này phải đối mặt.

Lake khẳng định chính sách sinh một con (triển khai từ năm 1979 và nới lỏng đáng kể vào năm 2016) khiến nhiều gia đình cố gắng để đứa con duy nhất là con trai. Nhưng, chính sách này cũng khiến nhiều cặp vợ chồng đối xử với đứa con gái duy nhất theo cách xử sự như với con trai - buộc con học cao lên và thành công trong sự nghiệp.

Điều này kéo theo sự xuất hiện một lượng lớn các cô gái có học thức, tài sản, có mục tiêu. Sống trong một nền kinh tế mở, nơi các cơ hội nghề nghiệp mở rộng, họ ít chịu thỏa hiệp trong công việc để đánh đổi lấy hôn nhân. Và khi họ trì hoãn hoặc phản đối hôn nhân để tập trung vào sự nghiệp sẽ bị gắn nhãn là "gái ế".

Lake nhận ra hiện tượng này khi làm việc 5 năm tại một đài truyền hình ở Bắc Kinh. Cô tìm thấy nhiều phụ nữ như vậy quanh mình, và muốn hiểu tại sao, trong khi Trung Quốc thừa đến 20 triệu đàn ông, nhiều đồng nghiệp nữ của cô lại đang chật vật tìm bạn đời.

Lake đi đến kết luận rằng, dù học cao, độc lập về tài chính, thì thành tựu của những cô gái này cũng bị che mờ bởi thực tế rằng họ chưa có bạn đời.

"Điều này dường như khá lạ lẫm với một nền văn hóa đã được hiện đại hóa với tốc độ cao như vậy", cô nói. Thách thức với các cô gái "ế" đã thúc đẩy Lake khám phá hiện tượng xã hội sâu xa hơn nữa, được đưa vào cuốn sách mới đây của cô: Leftover in China: The Women Shaping the World’s Next Superpower. (Tạm dịch Gái ế ở Trung Quốc: Những phụ nữ định hình siêu cường mới của thế giới).

Cuốn sách tập trung vào cuộc sống của 4 cô gái trên phông nền những câu chuyện đầy màu sắc, với hàng trăm cuộc phỏng vấn và những nghiên cứu về nhân chủng học, lịch sử cho thấy vai trò quan trọng của những "gái ế" này đối với tương lai Trung Quốc.

"Tôi muốn bạn đọc có thêm một góc nhìn về Trung Quốc - về chính sách sinh một con và sự tác động của nó tới cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra vào thời kỳ đó, bên cạnh sự phức tạp của Trung Quốc hiện đại, đang bập bênh trên lằn ranh xưa cũ và mới mẻ", Lake nói.

Lei Yamin, một phụ nữ độc thân ở Hàng Châu, cho biết cô luôn nhận được áp lực vô hình từ nhiều phía, như cha mẹ, bạn bè và đồng nghiệp chỉ bởi chưa có chồng. Giờ đây, ở đầu tuổi 40, cha mẹ cô cuối cùng đã chấp nhận tình trạng của con mình.

"Họ đã dần dần quen với thực tế tôi là một phụ nữ độc thân. Với họ, đó là một hành trình dài, từ lo lắng thủa ban đầu, cho đến thấu hiểu và cuối cùng là chấp nhận hoàn toàn".

Lei cho biết kết hôn không phải là lựa chọn duy nhất với phụ nữ. "Những điều bận tâm nhất với phụ nữ là hạnh phúc của cha mẹ, sức khỏe bản thân và cơ hội lấp đầy các giá trị của mình", cô nói.

Cùng với tỷ lệ ly hôn đang gia tăng, cô cũng cho biết Trung Quốc đã dần quen với khái niệm rằng phụ nữ không nhất thiết phải được định giá bằng hôn nhân. "Chưa hết, cũng không thiếu phụ nữ độc thân được gọi là nữ thần, bên cạnh việc bị gắn nhãn là 'gái ế'", Lei nói.

Chính sách một con, không nghi ngờ gì nữa, đã giúp Trung Quốc đạt mức tăng trưởng đến hai con số trong nhiều năm, nhưng cũng để lại đằng sau nó sự mất cân bằng giới nghiêm trọng. Ngày nay, cứ 106 đàn ông nước này thì có tương ứng 100 phụ nữ, cho thấy số đàn ông "ế" cũng còn rất lớn.

Lake, hiện là phóng viên cho tờ The Economist, cho rằng thế hệ các cô gái có tiền tài, học vấn có thể là một nguồn lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của nước này trong thập kỷ tới.

Một vài con số cho thấy sức mạnh tiêu dùng của phụ nữ, 3 triệu khách hàng nữ trên Tmall mua mỗi người hơn 5 thỏi son môi vào năm ngoái, và hơn 350 nghìn người mỗi người mua hơn 12 cái túi, dù thực tế là phụ nữ kiếm ít hơn 35% so với đồng nghiệp nam, theo báo cáo gần đây của nhà bán lẻ trên mạng Trung Quốc Tmall và Kantar Worldpanel, một công ty quốc tế cung cấp dữ liệu người dùng.

"Phụ nữ có xu hướng là người lèo lái trong thị trường tiêu dùng, và khi họ tiếp tục vươn tới trình độ học vấn cao hơn, định hình rõ hơn các mục tiêu nghề nghiệp, chúng ta sẽ thấy có sự gia tăng thu nhập của họ", Lake nói. "Họ sẽ dùng tiền theo nhiều cách khác nhau, với mức chi tiêu khác với khi họ kết hôn và có con lúc còn trẻ".

Theo VNE

Các tin cũ hơn