Ký sự World Cup: Ngày không bóng đá tại nước Nga

Thứ bảy, 30/06/2018, 08:55
Nửa tháng liên tục xem bóng đá, xem đêm xem ngày, hôm qua lại là 1 ngày vắng bóng hoàn toàn các trận đấu, bỗng dưng có cảm giác trống vắng. Thấy thiếu cảm giác được ngồi xem đá banh chung với cổ động viên đến từ mọi nước, mọi màu da, bình luận bóng đá bằng đủ ngôn ngữ.

Thủ đô Moscow của nước Nga bỗng dưng bình lặng đến khác lạ trong ngày World Cup tạm nghỉ. Người vẫn đi trên đường, thủ đô của xứ sở Bạch Dương vẫn chuyển động, công việc thường nhật của người dân bản xứ vẫn như cũ.

Tuy nhiên, cảm giác không có trận bóng đá nào để xem quả là khác lạ. Nửa tháng trời không vào sân thì ra khu Fan Fest, không ở Moscow lại đi Saint Petersburg, không Moscow không Saint Petersburg lại đi xa hơn, hướng về Rostov hay Volgograd.

Ngày không bóng đá, chợt thèm cảm giác được ngồi giữa các khán đài đông nghịt người
Thèm cái cảm giác hối hả di chuyển xung quanh các sân bóng

Hay đơn giản hơn nữa, không đi bất cứ thành phố nào để trực tiếp đến với sân bóng nào, vẫn có thể ở ngay Moscow, vào quán bar, xem qua màn ảnh truyền hình, cùng bình luận với mọi người. Nhưng riêng ngày hôm qua thì rất khác, chẳng đi đâu được để đến những nơi như thế cả.

Hôm qua, khách du lịch, hoặc cánh phóng viên, cánh CĐV như chúng tôi nếu gặp nhau vẫn nói về bóng đá. Nhưng cái sự hối hả, tranh thủ làm hết mọi trong ngày vào buổi sáng, để buổi chiều, buổi tối xem các trận đấu ở World Cup thì không có.

Chợt nghĩ, người Nga đã quen với không khí World Cup như thế này, quý mến du khách như thế này, đến hết World Cup, có khi họ lại thèm cái cảm giác được đón tiếp CĐV từ khắp mọi nơi trên thế giới đến với nước họ cũng nên.

Moscow trong ngày không có bóng đá vẫn đông người, nhưng không còn cái sự hối hả hoàn tất mọi công việc vào buổi sáng, tranh thủ xem bóng đá vào buổi chiều, tối

Cả tháng trời tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, cả tháng trời ăn, ngủ bóng đá chung với mọi người đến từ khắp 5 châu, với đủ mọi ngôn ngữ mà có khi không nhất thiết phải biết nói ngôn ngữ chung, chỉ cần hoà nhịp cùng bóng đá là đủ hiểu nhau, sau 1 tháng đấy, phải chia tay mọi người, không nhớ mới là lạ.

Sở dĩ nói đến chuyện bóng đá có ngôn ngữ chung, bởi ít ngày vừa qua, đi vào giữa đám đông, đâu đó thấy các nhóm CĐV của các nước quàng vai bá cổ chụp hình selfie chung, thì đó tức là họ muốn nói với nhau rằng “Chúng ta là bạn nhé!”.

Rồi 1 – 2 ngày nay, bỗng thấy mình được quý mến đến kỳ lạ, đi đâu ai cũng thắc mắc mình có phải là người Hàn Quốc hay không?
Các địa điểm du lịch trở thành điểm đến trong ngày không bóng đá, thay vì các sân bóng

Số là sau hôm Hàn Quốc đánh bại nhà đương kim vô địch thế giới Đức, CĐV các nước hào hứng hơn hẳn. Nói gì thì nói, việc đội vô địch bị loại ngay sau vòng bảng, lại bị loại bởi 1 đội châu Á, đó là câu chuyện thú vị lắm chứ.

CĐV các nước khoái người Hàn Quốc, CĐV Mexico càng đặc biệt thích dân Hàn Quốc, vì Hàn Quốc đánh bại Đức cũng đồng nghĩa với việc trao vé cho Mexico đi tiếp mà.

Dân phương Tây nhìn người Á Đông, nhìn người da vàng tóc đen đều hao hao giống nhau. Nếu chỉ thoạt nhìn, họ dĩ nhiên không phân biệt được đâu là người Nhật, người Hàn, người Việt, người Singapore hay người Thái… (cũng giống như dân Việt nếu mới nhìn lần đầu, chắc cũng khó phân biệt dân Ả rập đâu là người UAE, đâu là người Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Iran, Iraq, Morocco hay Tunisia…), nên họ hay lầm.

Thành ra, có đến mấy lần tôi và một số người Việt khác nữa cứ bị nhầm lẫn là người Hàn Quốc. Đấy cũng là một kỷ niệm vui, vui vì thấy mình bỗng nhiên được quý mến lây. Đấy cũng là một ký ức đẹp cho sau đây ít tuần nữa, khi World Cup khép lại và bản thân mình phải xa World Cup!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích