Nỗi lo Trump sẽ nhượng bộ Putin trong hội nghị thượng đỉnh

Thứ bảy, 30/06/2018, 11:28
Nhiều chuyên gia lo ngại Trump quá thân thiện với Putin trong khi số khác cho rằng đây là cơ hội tốt để giảm căng thẳng. 

Trump (phải) và Putin tại hội nghị G20 ở Đức tháng 7/2017. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Putin ngày 16/7 gặp nhau ở Helsinki, Phần Lan. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng Trump sẽ nhượng bộ Putin trong cuộc họp. Vài tuần trước, Trump đã kêu gọi Nga được tái gia nhập nhóm các cường quốc công nghiệp G7 để trở thành G8 như trước kia. Ông còn ám chỉ việc Nga sáp nhập Crimea là chính đáng vì nhiều người Nga sống ở đó. Trump cũng tiếp tục đưa ra nghi ngờ về cáo buộc Moskva can thiệp bầu cử Tổng thống năm 2016.

Các nhà phân tích so sánh mong muốn gặp Putin của Trump giống như mong muốn đàm phán với Kim Jong-un. Hai tuần trước, trong hội nghị tại Singapore, Trump - Kim tuyên bố hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng không nêu chi tiết sẽ thực hiện quá trình này như thế nào. Trump còn tuyên bố hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc - điều mà Bình Nhưỡng mong muốn bấy lâu nay, khiến nhiều nhà phân tích đánh giá Trump đã cho nhiều hơn nhận và cảnh báo điều tương tự có thể xảy ra tại Phần Lan.

Họ lo ngại rằng Trump có thể tiết lộ với Putin thông tin mật, phát đi tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thể hiện rằng Mỹ không mặn mà với việc bảo vệ các đồng minh NATO ở Đông Âu hay hứa hẹn với Putin về các ưu đãi thương mại, theo Washington Post.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức khác thường nhấn mạnh rằng chính quyền Trump đã cứng rắn hơn đối với Nga so với chính quyền Obama. Họ nhắc đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ, việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, trục xuất các nhà ngoại giao và lên án Nga về các cuộc tấn công mạng.

Tuy nhiên, việc Trump luôn miễn cưỡng chỉ trích Putin phần nào giảm nhẹ sức nặng của những biện pháp này. "Điều quan trọng là Tổng thống nói gì", R. Nicholas Burns, nhà ngoại giao từng làm việc trong chính quyền Clinton và George W. Bush, nói. "Những điều ông ấy nói hoàn toàn làm suy yếu chính sách. Giống như ông ấy không có quan điểm đồng điệu với chính quyền của mình".

Richard N. Haass, chủ tịch trung tâm Hội đồng Quan hệ đối ngoại, bình luận: "Các nhân viên chính quyền chỉ tập trung vào lời bài hát mà bỏ qua giai điệu. Một vài phần trong lời bài hát thì cứng rắn, nhưng giai điệu thì lại như tình ca".

Trump lập luận rằng mối quan hệ cá nhân sẽ giúp ông mang lại kết quả vượt qua những người tiền nhiệm. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News sau cuộc họp ở Singapore, Trump nói nếu ông ăn tối với Putin, ông có thể thuyết phục Putin rút khỏi Syria và khủng hoảng Ukraine.

Trump không phải là Tổng thống đầu tiên nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo Nga. Bill Clinton đã làm điều đó với Boris Yeltsin. Bush cũng cố gắng làm điều đó với Putin giống như Obama với Dmitri Medvedev. Nhưng chỉ Trump mới nhấn mạnh điều đó trong chương trình nghị sự của mình, theo NYTimes.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger từng viết: "Thật nguy hiểm khi dựa vào tính cách hoặc kỹ năng đàm phán để phá vỡ thế bế tắc; chúng không thể vá víu cho những thiếu sót của chiến lược".

"Trump không nên khen ngợi Putin hay ra dấu hiệu rằng ông muốn bỏ qua tất cả vấn đề để có quan hệ tốt với nhau", cựu đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul nói. "Điều đó không phục vụ lợi ích quốc gia Mỹ", ông nói.

"Bất kỳ tổng thống nào khác - dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ - sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để đối đầu với Nga", Max Bergmann, thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ, lập luận. "Chúng ta nên đối đầu với Nga và vẽ lại những lằn ranh đỏ rõ ràng. Chúng ta không nên cố gắng đạt được thỏa thuận nào vì chỉ một thỏa thuận duy nhất cần xảy ra là Nga đồng ý thay đổi hoàn toàn hành động. Nhưng điều đó sẽ không trở thành sự thật".

McFaul dự đoán Putin sẽ là đối tác đàm phán đáng gờm với Trump vì ông rất am hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ. Một số nhà phân tích suy đoán rằng Trump sẽ cố gắng tìm kiếm lập trường chung với Putin về Syria. Các trợ lý của ông từng cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga để đối lấy việc Moskva hợp tác với Mỹ chống lại Iran ở Syria. Ý tưởng này từng bị gạt sang một bên nhưng một số người thắc mắc liệu Tổng thống có thể hồi sinh nó hay không.

"Liệu Trump có cố gắng thuyết phục để Putin chống lại Iran ở Syria?". Martin S. Indyk, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nói. "Và nếu vậy, ông ấy phải trả cái giá như thế nào?".

Đề xuất như vậy sẽ làm cho cuộc họp của Trump với Putin có ý nghĩa rõ ràng và thực tế hơn so với cuộc gặp Kim Jong-un. Nhưng việc thuyết phục Nga thay đổi chiến lược ở Syria sẽ rất khó khăn, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moskva cũng sẽ gây ra rạn nứt khác với các đồng minh châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không cảm thấy lo lắng về cuộc gặp. Rachel Rizzo, chuyên gia an ninh châu Âu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng cuộc họp với Putin không thể không làm lung lay mạnh quan điểm của Trump theo bất kỳ hướng nào.

Harry J. Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, thì ủng hộ việc Trump gặp Putin. Ông nhắc đến lời của cố lãnh đạo quân sự Israel Moshe Dayan năm 1977: "Nếu muốn đạt được hòa bình thì anh không nói chuyện với bạn bè. Anh nói chuyện với kẻ thù".

Kazianis lập luận rằng Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử đã nhiều lần tuyên bố rằng sẵn sàng gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài có lợi ích đối chọi với Mỹ. Tổng thống chỉ đơn giản là đang thực hiện lời hứa của mình.

Trong cuộc gặp, Trump và Putin có thể thảo luận về cách giảm căng thẳng trong khủng hoảng Syria, Ukraine, nạn tấn công mạng hay cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Vào thời điểm Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức như sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tham vọng về thế thống trị của Iran ở Trung Đông thì chính quyền Trump cần được loại bỏ càng nhiều nỗi lo càng tốt.

"Hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo sẽ không giải quyết tất cả sự khác biệt nhưng ít nhất đó là một bước đi đúng hướng để ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh và thậm chí tệ hơn là xung đột thật sự",

Kazianis viết."Trump đúng đắn khi cố xây dựng quan hệ tốt hơn với Putin và như ông ấy thường nói: chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra".

Theo VNE

Các tin cũ hơn