Giữa làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội về việc 12 cầu thủ trẻ và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non nên được xem là người hùng hay tội đồ, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng cần ưu tiên công việc giải cứu trước khi đánh giá sự việc.
"Mấy ngày qua, người dân theo dõi sát sao vụ việc này, vì vậy đã khơi gợi nhiều vấn đề", ông nói. Thủ tướng Thái Lan đồng thời kêu gọi truyền thông đưa tin về sự việc hợp lý và có trách nhiệm.
Nhóm cứu hộ bơm nước khỏi hang Tham Luang Nang Non, phục vụ công tác giải cứu. |
"Các đơn vị đã đang gấp rút phục hồi sức khỏe cho các cậu bé, tôi đã yêu cầu quan chức địa phương tập trung vào việc đảm bảo họ giữ được tinh thần vững vàng. Tôi không nói họ là 13 nạn nhân hay người hùng, nhưng điều quan trọng nhất là họ phải được đưa ra khỏi hang an toàn để trở thành công dân tốt phục vụ cho cộng đồng về sau. Tôi tin rằng họ đã học hỏi nhiều từ hành động của mình", Thủ tướng Thái cho biết.
Bangkok Post dẫn lời ông Anantaporn Kanjanarat, Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan, cho rằng công chúng không nên quá gay gắt với những người mắc kẹt.
"Tôi không muốn người dân lên án các cậu bé và vị huấn luyện viên vì đây là một sự cố không ai mong muốn. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng họ nên được tâng bốc như người hùng. Các đơn vị và cá nhân tình nguyện giúp đỡ đang rất bận rộn", bộ trưởng nói.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói chuyện với gia đình các nạn nhân và nhóm cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: BenarNews |
Gần như mọi chỉ trích đều nhằm vào huấn luyện viên Eakapol Chanthawong của đội bóng Lợn Hoang, người đi cùng 12 cầu thủ trẻ vào hang Tham Luang Nang Non hôm 23/6 và mắc kẹt tại đây suốt 10 ngày sau đó.
Nhiều người cho rằng anh Eakapol vô trách nhiệm khi bỏ qua biển cảnh báo không vào hang trong mùa mưa lũ, dẫn đến việc anh và các cậu bé lâm vào tình cảnh nguy hiểm đến tính mạng và khiến hơn 1.000 nhân viên cứu hộ đau đầu tìm kiếm.
Ngược lại, luồng ý kiến bênh vực cho rằng không nên lên án các nạn nhân trước khi vụ việc được làm sáng tỏ. Cư dân mạng dẫn lại nguồn tin của Bangkok Post cho biết huấn luyện viên Eakapol đã dạy 12 học trò cách thiền để quên cơn đói và có thể trải qua 10 ngày trong hang động lạnh lẽo, tối tăm, ẩm ướt, không có điện, thức ăn hay bất kỳ ý niệm nào về việc có được cứu hay không.
Trang Facebook Happinessis Thailand khẳng định 12 cậu bé sẽ không thể vượt qua thời gian khắc nghiệt ấy nếu không nhờ sự hy sinh và thái độ bình tĩnh của huấn luyện viên 25 tuổi. Anh được cho là đã từ bỏ phần ăn đầu tiên của mình để nhường cho bọn trẻ, theo Bangkok Post.
"Nhiều người trách huấn luyện viên vì đã đưa các cậu bé vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đối với tôi vì cả 13 người bọn họ đều là nạn nhân (của tự nhiên). Nếu biết sẽ gặp nguy nan, chắc chắn họ sẽ không đi vào đó. Tôi nghĩ người thầy dẫn đầu đã làm mọi điều có thể để bảo vệ lũ trẻ. Anh là một người hùng mà chúng ta không thể quên", tài khoản JMovf viết trên Twitter.
Nhận định trên nhận được nhiều đồng tình, nhưng không ít người phản đối cho rằng nên tách biệt rõ ràng giữa "công" và "tội". Tài khoản New_1602 viết: "Người hùng phải là nhóm cứu hộ! Họ xứng đáng nhận được sự tung hô của chúng ta. Nạn nhân đương nhiên là cần được hồi phục trước tiên, nhưng nếu xét thấy có sự vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì cần bị trừng phạt".
Bạn đọc cho rằng công luận cần nghiêm khắc với sự bất cẩn, phớt lờ cảnh báo nguy hiểm của vị huấn luyện viên, dẫn đến việc tốn kém tiền của, công sức của chính phủ và các tổ chức quốc tế. "Việc nào ra việc đó", tài khoản ducnv nhận xét.
Người thân một cậu bé mất tích vui mừng khi nhận được tin 13 người mắc kẹt đươc tìm thấy. Ảnh: AP. |
Một luồng ý kiến nhận được nhiều đồng tình cho rằng chưa nên quy kết sự việc khi chưa làm rõ nguyên nhân các cậu bé và huấn luyện viên đi sâu vào hang trong buổi chiều 23/6.
"Các cậu bé còn sống, nhưng vẫn chưa được đưa ra khỏi hang. Tôi nghĩ bất cứ người nào cho rằng họ là 'kẻ tội đồ' vào thời điểm này là rất vô trách nhiệm và gây ra những tổn thương không cần thiết cho gia đình và các nạn nhân. Điều quan trọng là giữ tinh thần của họ được tốt. Để họ an toàn và hồi phục trước khi ta phê phán họ", bạn đọc nathanw bình luận.
Ngoài những tranh cãi chưa có hồi kết về các nạn nhân và huấn luyện viên, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC) cũng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi trao tặng gia đình mỗi cậu bé mất tích 10.000 baht (hơn 300 USD).
Cư dân mạng cho rằng OBEC nên gửi số tiền ấy cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học hơn là dùng nó cho những cậu bé mắc kẹt.
Tuy nhiên, ủy ban này xác nhận số tiền trên không phải từ ngân sách quốc gia mà do các nhà hảo tâm quyên góp. Tổng thứ ký OBEC Boonrak Yodpetch cho biết văn phòng giáo dục tại tỉnh Chiang Rai đã gây quỹ được 600.000 baht (hơn 18.000 USD) để hỗ trợ gia đình các nạn nhân, cho phép họ tạm hoãn công việc để chờ tin tức về con cái.
Theo Zing