Ngày 13/7, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Theo đó Sở yêu cầu bệnh viện phải giải quyết vụ việc này sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con. Các vấn đề pháp lý, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ... có thể thực hiện sau đó.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết, sẽ sớm mời gia đình anh Sơn và chị Hương cùng gặp để thỏa thuận mọi việc. Riêng khoản hỗ trợ 300 triệu đồng như gia đình đề nghị, hiện Quỹ đền bù rủi ro của bệnh viện không đủ tiền để chi trả.
Gia đình anh Sơn đã gửi đơn kiện đến tòa án huyện Ba Vì để mong giải quyết sớm được nhận lại con. Tuy nhiên, hiện tòa chưa thụ lý vụ án vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc. Trong khi đó, bệnh viện mong muốn không đưa sự việc ra tòa.
“Khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian để hai cháu có thể được trở về với gia đình của mình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến gia đình và tâm lý của các trẻ”, ông Hùng nói.
Vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ và xét nghiệm ADN phát hiện nhầm con. . |
Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong sự việc này người lớn nên tôn trọng theo nguyện vọng của trẻ để thấy mọi việc đơn giản hơn. Vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha người mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình. Lối sống, thói quen, cách nuôi dạy con ở mỗi gia đình cũng khác nhau...
“Làm sao để các bé dù có ở đâu, cùng gia đình nào cũng luôn nhận được tình yêu thương, đùm bọc của người lớn, vẫn được là con của cả hai gia đình”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, hậu quả của việc nhầm lẫn con này rất nặng nề và khủng khiếp. Có lẽ chính vì sự tổn thương quá lớn về mặt tinh thần nên các bên khó tìm được cách giải quyết thấu tình đạt lý.
Sáng 1/11/2012, có 3 sản phụ chuyển dạ tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), trong đó có chị Hương và vợ anh Sơn. Hai bé trai ra đời cách nhau 20 phút, vô tình nữ hộ sinh đã trao nhầm con cho hai gia đình. Khi nhận con, vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ nhầm tã lót của bé nhưng bác sĩ khẳng định không có chuyện nhầm.
Bé càng lớn, vợ chồng anh Sơn càng thấy con có nhiều nét không giống mình. Đưa con đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ. Chị Hương cũng đã rất sốc khi nhận tin. Hai bên đã làm xét nghiệm ADN từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé. Bản thân chị Hương cho biết chưa sẵn sàng tâm lý để đổi con, lo sợ nếu vội vàng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của hai con. Ngoài ra, phía bệnh viện và gia đình cũng chưa thống nhất được khoản chi phí hỗ trợ.
Hai nữ hộ sinh liên quan sự việc đã xin lỗi hai gia đình, bị kỷ luật tạm dừng làm chuyên môn chuyển sang làm công việc giấy tờ. Một người cũng bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở; đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Sở giao Bệnh viện phụ sản Hà Nội chủ trì về chuyên môn, rà soát quy trình trao nhận trẻ sơ sinh tại các bệnh viện. |
Theo VNE