|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters. |
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoàn thành nhiều mục tiêu trong danh sách những nhiệm vụ phải làm ở trong lẫn ngoài nước. Đây cũng là thời kỳ mà Bắc Kinh miêu tả rằng "phương Tây rơi vào hỗn loạn, còn Trung Quốc trở nên thịnh vượng", theo South China Morning Post.
Tập Cận Bình đã mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường", một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ông dành nhiều tâm huyết.
Trên phương diện cá nhân, ông đã thành công trong việc dập tắt những tiếng nói chống đối bên trong lẫn bên ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc, được quốc hội hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch cũng như đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp. Điều này khiến ông được xem là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông.
Song cuộc chiến thương mại với Mỹ đã mở ra một tình thế hoàn toàn khác. "Đây là thách thức lớn nhất (của ông Tập)", Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, kiêm cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, bình luận.
"Nếu Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc chiến tranh thương mại lan rộng và kéo dài, nền kinh tế, tài chính chắc chắc sẽ bị thiệt hại. Cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa hay còn gọi là 'Giấc mơ Trung Hoa' không thể tiến lên phía trước", Yinhong nhấn mạnh.
Trung Quốc phải nhượng bộ lớn
Ngay sau khi Washington thực hiện lời đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, bao gồm đòn áp thuế trên sẽ tác động tới Trung Quốc nặng nề đến mức nào trên phương diện chính trị lẫn tài chính?
Yinhong cho rằng chiến tranh thương mại lần này có thể khiến Trung Quốc phải thay đổi cách hành xử trên trường quốc tế, thậm chí xuống nước lập trường hung hăng mà họ đã theo đuổi thời gian qua. "Giờ đây, Trung Quốc cần điều chỉnh các ưu tiên", ông nói.
Theo Yinhong, đối mặt với sức ép đang gia tăng từ Mỹ và các nước phương Tây khác về vấn đề thương mại, Trung Quốc sẽ phải đưa ra các nhượng bộ lớn.
"Trung Quốc chẳng những không giảm thặng dư thương mại với nước ngoài hay mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước mà còn xác lập quyền kiểm soát lớn hơn đối với nền kinh tế. Do không làm được nhiều điều về mặt thương mại trong những năm qua, giờ đây, các nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra chắc chắn phải lớn", Yinhong cho hay.
Ông dự đoán Trung Quốc có khả năng sẽ bớt mạnh tay hơn trong các dự án đầu tư ở nước ngoài vì nguồn tiền dành cho những hoạt động này đã giảm.
Suy thoái kinh tế gây ra mối đe dọa lớn
Nhà nghiên cứu chính trị Chen Daoyin ở Bắc Kinh nhận xét dù điều gì xảy ra trên mặt trận thương mại, mọi người cũng không nên kỳ vọng bất kỳ thay đổi lớn nào của Trung Quốc trên phương diện chính trị.
"Giới trí thứ Trung Quốc đang hy vọng Trung Quốc buộc phải cải cách kinh tế lẫn chính trị. Nhưng điều này đơn giản là không khả thi vì nhóm cầm quyền đã rất rõ ràng trong việc duy trì chế độ", Chen nói.
Phát biểu tại một diễn đàn thảo luận về tranh chấp thương mại Trung - Mỹ hồi tháng ba, cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ bác bỏ những ý kiến cho rằng cải cách thị trường sẽ dẫn đến thay đổi lớn về chính trị.
"Tôi đã gặp gỡ một số nhà chiến lược Mỹ. Nói chung, họ thất vọng. Họ tưởng sau khi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường, đảng cầm quyền sẽ chạy theo mô hình dân chủ kiểu phương Tây. Điều này đã không xảy ra trong thực tế", Lâu cho biết. Theo ông, vấn đề then chốt đối với cải cách kinh tế của Trung Quốc là phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu chính trị Chen Daoyin nhận định vấn đề lớn hơn có thể xảy ra nếu xung đột thương mại với Mỹ dẫn đến suy thoái kinh tế.
"Trong nhiều thập kỷ, tính chính danh cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc được xây dựng dựa vào thành tích kinh tế. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vì chiến tranh thương mại, điều này chắc chắn làm tổn hại tính chính danh đó", ông nói.
Perry Link, chuyên gia chính trị Trung Quốc ở Đại học California, Mỹ, cũng đồng tình với ý kiến trên. "Một cuộc suy thoái kinh tế... sẽ là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với sự ổn định chế độ của ông Tập... Tôi không nghĩ chủ nghĩa dân tộc mới sẽ giúp ích cho ông ấy, thậm chí, nó có thể chống lại ông ấy nếu mọi thứ chuyển biến xấu", Link bình luận.
|
Các container hàng hóa tại một cảng biển ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Tìm kiếm ủng hộ từ châu Âu
Vì các căng thẳng thương mại Trung - Mỹ ngày càng leo thang, Bắc Kinh gần đây tìm cách xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu, vốn cũng là mục tiêu mà đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm đến.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen hồi tháng trước, hai bên thông báo sẽ thành lập một nhóm công tác để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker dự kiến thăm Bắc Kinh trong vài tuần tới trước khi sang Mỹ vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, Christopher Balding, nhà kinh tế thuộc Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh, vẫn nghi ngờ khả năng xuất hiện một liên minh Bắc Kinh - Brussels về thương mại.
"Thẳng thắn mà nói, châu Âu chỉ xem Trump như một cơn cảm lạnh vì ông ấy rồi sẽ rời nhiệm sở vào một lúc nào đó. Và họ có mối liên kết lịch sử sâu sắc hơn nhiều với Mỹ cũng như có một thị trường cởi mở hơn nhiều. Họ không có bất kỳ sự bảo đảm nào như vậy từ Trung Quốc", Balding nhận xét. Ông lưu ý Tập Cận Bình đã được thông qua là lãnh đạo trọn đời của Trung Quốc và "Trung Quốc cũng không có lịch sử về một thị trường mở cửa".
Theo VNE