|
Quyền Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio (Ảnh: ABS CBN) |
Phát biểu tại diễn đàn nhân đánh dấu 2 năm ngày tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền trên Biển Đông, Quyền Chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio cho biết Manila vẫn có thể thực thi phán quyết của tòa mà không cần sự tham gia của Bắc Kinh, bằng cách ký các thỏa thuận về biên giới trên biển với các nước Đông Nam Á khác.
“Philippines và Việt Nam có thể ký thỏa thuận biên giới trên biển về khu vực thềm lục địa mở rộng bị chồng lấn ngoài quần đảo Trường Sa. Một thỏa thuận biên giới tương tự cũng có thể được ký giữa Philippines và Malaysia để vạch ra các vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp nhau giữa Borneo và Palawan”, trang tin ABS-CBN dẫn lời ông Carpio nói.
Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã ủng hộ lập trường của Philippines, đồng thời tuyên bố yêu sách đường chín đoạn phi lý do Trung Quốc đưa ra hòng chiếm phần lớn diện tích Biển Đông là không có giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn ngang nhiên phớt lờ phán quyết của tòa.
Ông Carpio hối thúc Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) đề nghị Mỹ và các nước Đông Nam Á công nhận bãi cạn Scarborough là “lằn ranh đỏ chính thức” trên Biển Đông. Bãi cạn này là khu vực tranh chấp từ nhiều năm nay giữa Philippines và Trung Quốc.
“DFA nên kêu gọi các nước ASEAN, đặc biệt những nước bị ảnh hưởng bởi yêu sách đường chín đoạn, công nhận bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ của ASEAN, nghĩa là Trung Quốc không được phép xây dựng trên bãi cạn này. DFA cũng nên kêu gọi Mỹ công nhận bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ chính thức theo Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ Mỹ - Philippines (MDT). Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 rằng bãi cạn Scarborough là một lằn ranh đỏ”, ông Carpio nhấn mạnh.
|
Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông (Ảnh: Reuters) |
Theo trang tin Inquirer, trong các vấn đề quốc tế, lằn ranh đỏ là điều kiện do một bên thiết lập. Khi điều kiện này bị vi phạm, bên vi phạm có thể sẽ phải chịu “những hậu quả nghiêm trọng” từ trừng phạt kinh tế cho tới hành động quân sự.
Theo hiệp ước MDT do Mỹ và Philippines ký năm 1951, hai nước cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công quân sự. Ngoài bãi cạn Scarborough, Philippines cũng đặt ra một lằn ranh khác là Trung Quốc không được phép tiến hành bất kỳ hoạt động khoan dò đơn phương nào đối với các tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230km về phía Tây, từ năm 2012. Phía Bắc Kinh thường xuyên ngăn chặn ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào này để đánh bắt, thậm chí có lúc còn sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi. Tranh chấp giữa hai nước tại khu vực này là lý do khiến Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế.
Theo Dân Trí